Ngành dệt may đang được kỳ vọng sẽ có những bước đột phá lớn trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương với nhiều thị trường lớn, như: ASEAN, Nhật Bản, Liên minh châu Âu… có hiệu lực.
Ngành dệt may đang được kỳ vọng sẽ có những bước đột phá lớn trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương với nhiều thị trường lớn, như: ASEAN, Nhật Bản, Liên minh châu Âu… có hiệu lực. Đặc biệt, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến hoàn thành vào cuối năm sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành này.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận xét TPP sẽ là “cú hích” tạo sự phát triển mạnh mẽ cho ngành dệt may, nhất là khi không phải cạnh tranh với Trung Quốc vì nước này không tham gia Hiệp định.
* Nỗ lực thay đổi
Hiện tại, ngành dệt may đang tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng doanh nghiệp (DN) lẫn quy mô hoạt động. Cụ thể, Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến (TP.Hồ Chí Minh) đã mạnh dạn đầu tư Trung tâm Thiết kế thời trang với công nghệ hiện đại; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ thiết kế; liên kết với các nhà sản xuất vải, nguyên phụ liệu… nhằm tăng giá trị cho thời trang Việt. Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đang triển khai kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng từ sợi, dệt, nhuộm, may… “Qua đó giúp tạo giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho ngành, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên, phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa” - ông Nguyễn Văn Tuấn nói.
Đón hội nhập, thời trang Việt Tiến đầu tư lớn cho khâu thiết kế. Trong ảnh: Khách mua sản phẩm Việt Tiến. Ảnh: B. NGUYÊN |
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Siêu thị Vinatex Biên Hòa 2, nhận xét chưa khi nào may mặc Việt lại phong phú với nhiều lựa chọn như hiện nay, từ thời trang nam, nữ đến trẻ em. Không chỉ những thương hiệu lớn đang mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và liên tục đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới mà DN nhỏ, lẻ cũng có nhiều chuyển biến. Thời trang Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ ở dòng hàng phổ thông, sản phẩm cao cấp cũng dần đa dạng hơn, đáp ứng tốt thị hiếu khách hàng.
* Cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
Ông Huỳnh Hữu Nam, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia Minh chuyên may đồng phục và đồ bảo hộ lao động ở TP.Biên Hòa, so sánh: “Bây giờ, nhiều loại vải và phụ liệu dùng trong may mặc sản xuất trong nước luôn có sẵn trên thị trường. Chủng loại, chất liệu đa dạng, nguồn cung cũng ổn định hơn. DN có thể mua được ngay chứ không phải mất thời gian chờ đợi như trước”.
Theo đó, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ với những ưu thế như: có thể đặt những đơn hàng nhỏ, lấy ngay nên rất phù hợp với điều kiện của DN vừa và nhỏ, nhất là trong giai đoạn khó khăn về đồng vốn như hiện nay. Khi Việt Nam chủ động được nguyên liệu sản xuất sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh cho ngành may mặc nội địa.
Hiệp định TPP có 12 nước tham gia, như: Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Brunei... Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1-1-2006 và cắt giảm bằng không tới năm 2015... Ngoài các nội dung truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, đầu tư, dịch vụ... TPP còn đề cập nhiều vấn đề mới, như: lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, liên kết chuỗi cung ứng...Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong các nước tham gia đàm phán. TPP có hiệu lực sẽ tạo cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho những ngành mũi nhọn, như: dệt may, da giày, nông sản… |
Nói về DN vừa và nhỏ của ngành dệt may trong hội nhập, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, DN vừa và nhỏ rất cần sự quan tâm kịp thời về chính sách, như: miễn, giảm, giãn thuế, hạ lãi suất vốn vay, có nhiều chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ... Đồng thời, mỗi DN phải xác định rõ năng lực, lợi thế của mình để biết sẽ tham gia ở đâu trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của ngành.
Ông Võ Hoàng Vũ, Trợ lý giám đốc Công ty Minh Sương (ngành may mặc TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Hai năm trước, DN chủ yếu làm hàng xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc. Sau vài sự cố khách nợ tiền hàng đến giờ vẫn chưa chịu thanh toán, DN gặp rất nhiều khó khăn và buộc phải chuyển sang sản xuất sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa. Khi mở cửa hội nhập, DN vừa và nhỏ cũng cần được hỗ trợ về mặt pháp lý, nhất là trong giao thương với các đối tác nước ngoài”.
Bình Nguyên