Kinh tế khó khăn, tình trạng doanh nghiệp (DN) chiếm dụng vốn, nợ lòng vòng lẫn nhau đang trở nên phổ biến. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các khoản nợ xấu của nền kinh tế (không phải nợ xấu ngân hàng) đang ngày càng trở nên rất nguy hiểm, vì không thể kiểm soát.
Kinh tế khó khăn, tình trạng doanh nghiệp (DN) chiếm dụng vốn, nợ lòng vòng lẫn nhau đang trở nên phổ biến. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các khoản nợ xấu của nền kinh tế (không phải nợ xấu ngân hàng) đang ngày càng trở nên rất nguy hiểm, vì không thể kiểm soát.
Sự bất tín giữa DN với DN, khách hàng với DN đang làm cho các khoản nợ lòng vòng ngày một lớn hơn, nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế là rất lớn.
* Gánh nặng của nhau
Hơn một tháng qua, ông Nguyễn Quốc Công, Giám đốc Công ty TNHH Kiều Công Trường, chuyên sản xuất đồ nội thất cho thị trường nội địa (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) phải chạy đôn chạy đáo lo khoản tiền để bù vào số vốn mà khách hàng đang nợ. “Trước đây họ cũng uy tín, hàng giao đến đâu là tiền trả đến đó, nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2013 đến nay, tình trạng nợ cứ kéo dài, hiện đã lên đến 800 triệu đồng, cộng thêm số hàng DN ký hợp đồng sản xuất đang tồn trong kho khoảng 1 tỷ đồng nữa. Trong khi, mình mua nguyên liệu đến đâu là phải thanh toán tiền ngay tới đó” - ông Công than.
Dù hàng tồn kho nhưng Công ty TNHH Kiều Công Trường không dám giao cho đối tác do chưa thu hồi được nợ cũ. Ảnh: V.Nam |
Theo tính toán của ông Công, số tiền khách hàng nợ và hàng tồn kho đã chiếm 1/4 số vốn lưu động của DN. Ông Công đang là chủ nợ của khách hàng, nhưng đồng thời là con nợ của ngân hàng.
Khảo sát cho thấy, hiện tại tình trạng nợ dây dưa lẫn nhau rất nhiều, nguyên nhân chính do DN muốn duy trì sản xuất nên chấp nhận bán thiếu. Có DN làm hàng cho một đơn vị xuất khẩu, khi hàng đã xuất đi nhưng người mua không trả nợ mà nêu lý do hàng bị lỗi không thu được tiền nên phải cho nợ để trả dần. Một vài DN trong ngành chế biến gỗ cũng đang vướng vào vòng luẩn quẩn này, như: Công ty TNHH Phú Thịnh Vượng, DN tư nhân Minh Hải (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Phương Lan Hương (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom)… K.G |
Ở lĩnh vực xây dựng, anh Ngô Quốc Minh, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Hoàng Thiên Phát (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ cuối năm ngoái đến nay DN cũng khốn khổ vì không thu hồi được nợ để trả tiền vật liệu. Công ty của anh Minh là thầu phụ, nhận thi công gói thầu tường bao và sân cho một khu cao ốc ở quận 7, TP.Hồ Chí Minh với số tiền 6 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành từ tháng 8 năm ngoái nhưng đến nay DN mới nhận được tiền thanh toán 4,2 tỷ đồng, còn lại 1,8 tỷ đồng bị nhà thầu chính hẹn lần hẹn lữa với lý do là chưa được chủ đầu tư thanh toán. Anh thì đi đòi nợ, còn chủ đại lý vật liệu xây dựng cũng liên tục hối thúc anh thanh toán tiền. Căn nhà của anh Minh cũng đã thế chấp với ngân hàng để lấy tiền trả lương cho công nhân.
* Nguy cơ đổ vỡ
Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho biết, những DN phá sản thì có tới 50% nợ ngân hàng và 50% nợ bên ngoài. Số nợ bên ngoài này khi DN tuyên bố phá sản sẽ không thể thu hồi được do không có cơ sở pháp lý.
Ông Bình cảnh báo, nền kinh tế hiện đang chìm trong những thông tin méo mó, không đúng sự thật, nhiều công ty trên sổ sách thì vẫn có lãi nhưng số lãi đó lại nằm hết vào các khoản nợ phải thu và nếu không thu được thì sao?
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại Đồng Nai nhận xét, nợ xấu của DN hiện đang tăng nhanh và nguy hiểm ở chỗ hầu như không thể kiểm soát được quy mô, thời gian nợ. Khác với nợ xấu ngân hàng, các khoản nợ này hầu hết không có tài sản thế chấp, rơi vào các dạng: nợ tiền hàng hóa, nợ tiền thi công, nợ tiền mua nguyên liệu… nên chỉ được đảm bảo bằng uy tín của bạn hàng. Một khi đã mất uy tín, mất niềm tin lẫn nhau, DN có nhiều phản ứng tiêu cực để thu nợ, như: ngưng bán hàng, uy hiếp bạn hàng… Do đó, hoạt động DN sẽ ngưng trệ nếu một trong các mắt xích nợ không giải quyết được. Vi Lâm |
“Vấn đề nợ lòng vòng trong DN hiện như một trái bom, nếu “nổ” sẽ gây ra nguy hại cho nền kinh tế, các ngân hàng cũng bị liên đới” - ông Bình nhận xét. Cũng theo ông Bình, trong lúc này DN phải tập trung quản trị chính mình, nhìn vào thực tế chấp nhận giảm sản xuất, sản lượng và quản trị dòng tiền, bán hàng cần thu được tiền, không lừa dối mình bằng hy vọng bán hàng. Đơn cử như Công ty TNHH Thanh Bình, hiện phải thành lập một ban thu hồi nợ, những khoản nợ xấu, DN còn “khuyến mãi” 20-40% để thu hồi.
Vân Nam