Lào và Campuchia đang là 2 thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Việt Nam do thị hiếu tiêu dùng có nhiều điểm tương đồng với thị trường trong nước.
Lào và Campuchia đang là 2 thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Việt Nam do thị hiếu tiêu dùng có nhiều điểm tương đồng với thị trường trong nước.
Nhiều sản phẩm Việt từ hàng thực phẩm, tiêu dùng đến nông sản… đã “bám rễ” tại thị trường ở Lào, Campuchia và cạnh tranh khá tốt với hàng hóa của những nước khác.
* Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ
Theo nhiều DN đang xuất khẩu hàng sang thị trường Campuchia và Lào, do vị trí địa lý gần, giao thông thuận tiện với chi phí thấp nên hàng hóa xuất khẩu sang 2 nước trên có giá rất cạnh tranh. Người tiêu dùng ở 2 thị trường này lại tỏ ra chuộng hàng Việt. Mặt khác, DN thường được thanh toán tiền hàng ngay khi mua bán. Đây là những thuận lợi rất lớn cho DN nhỏ và vừa trong giai đoạn khó khăn về đầu ra thị trường và đồng vốn như hiện nay.
Bột giặt Net của Việt Nam tuy cạnh tranh chưa tốt tại thị trường trong nước, nhưng được bán khá phổ biến ở Campuchia. Ảnh chụp tại chợ Kompong Cham, Campuchia. Ảnh tư liệu |
Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Qua những đợt đưa hàng tham gia hội chợ tại Lào, Campuchia và một số nước châu Á, sản phẩm của cơ sở rất được ưa chuộng. Đây là cơ hội tốt cho gỗ mỹ nghệ Việt mở rộng xuất khẩu sang những thị trường mới. Trong khi đó, tại các thị trường truyền thống, như: châu Âu, Mỹ…, ngành hàng này đang phải chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt từ chính DN sản xuất trong nước và của nhiều nước khác”.
Ông Khiếu Mạnh Tường, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - thương mại Thuận Phong (TP. Biên Hòa), cho biết sản phẩm phân bón của đơn vị đã có mặt tại các nước Campuchia, Lào. Theo ông Tường, về điều kiện hạ tầng cơ sở, sự phát triển thị trường của 2 nước Campuchia, Lào hiện vẫn còn ở mức non trẻ. Những hạn chế này lại là cơ hội cho DN Việt phát triển thị trường, nhất là trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp vì 2 nước đều có quỹ đất lớn dành cho nông nghiệp và đang thu hút đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực này.
Ông Liu Tác Sáng, chủ DN tư nhân Thuận Hương (chuyên sản xuất các loại trái cây, nông sản sấy ở huyện Định Quán), chia sẻ: “Sản phẩm của DN đã có mặt tại thị trường Campuchia, Lào 3 năm qua. Khởi điểm, DN chỉ đưa vài chuyến hàng sang giới thiệu. Đến nay, sản phẩm của DN đã có mạng lưới tiêu thụ rộng rãi cả ở kênh siêu thị và cửa hàng bán lẻ”.
Ông Sáng cho biết, hiện 2 thị trường trên đang tiêu thụ khoảng 20% tổng sản lượng hàng hóa của Thuận Hương. Mục tiêu tăng trưởng lên mức 30-40% nằm trong khả năng của DN.
* Cần chiến lược dài hạn
Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết Campuchia và Lào là 2 thị trường quan trọng trong xúc tiến thương mại của Đồng Nai. Nhiều DN của tỉnh đã xuất khẩu rất tốt ở các thị trường này. Trong năm nay, tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận và khai thác tốt hơn thị trường hai nước láng giềng này. Trong đó, việc kết nối, tổ chức được hệ thống mạng lưới bán hàng là điều DN cần quan tâm.
Nói về phát triển thị trường xuất khẩu sang Campuchia, Lào, ông Khiếu Mạnh Tường cũng cho rằng cần một chiến lược dài hạn trong việc xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa. DN cũng xác định rõ để đứng chân một cách bền vững trên thị trường thì phải tạo được lòng tin nơi người tiêu dùng bằng uy tín, chất lượng hàng hóa. Trong đó, DN cần quan tâm đầu tư từ khâu nghiên cứu thị trường, đa dạng sản phẩm đến việc thiết kế mẫu mã bao bì phù hợp với thị hiếu người mua.
Ông Nguyễn Quang Vũ, chủ DN Nam Bình Minh (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu), cũng cho rằng việc đầu tư tạo dựng thương hiệu sản phẩm rất cần được chú trọng ngay cả khi xuất khẩu sang những thị trường còn dễ tính như Lào và Campuchia.
Bình Nguyên