Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

10:04, 19/04/2013

Hết quý I năm nay kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn phải gồng mình chịu đựng. Tại diễn đàn kinh doanh lần 4 do Báo Sài Gòn Tiếp thị tổ chức với chủ đề Đổi mới để tồn tại và phát triển các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, những tháng tiếp theo trong năm nay nền kinh tế chưa thể phục hồi như kỳ vọng.

Hết quý I năm nay kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn phải gồng mình chịu đựng. Tại diễn đàn kinh doanh lần 4 do Báo Sài Gòn Tiếp thị tổ chức với chủ đề Đổi mới để tồn tại và phát triển các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, những tháng tiếp theo trong năm nay nền kinh tế chưa thể phục hồi như kỳ vọng.

Tình trạng nợ xấu, lãi suất tín dụng cao, bất động sản đóng băng chưa có hướng giải quyết, đó là những gánh nặng đè lên nền kinh tế đang bị suy yếu.

* Rủi ro vẫn tiềm ẩn

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 vẫn còn nhiều ảm đạm, mặc dù một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang có dấu hiệu phục hồi. “Quá trình phục hồi và tăng trưởng ở một số nền kinh tế lớn chưa chắc chắn, còn nhiều yếu tố bất ổn tiềm tàng, xu hướng chung vẫn nhiều bất lợi cho kinh tế Việt Nam” - ông Thiên nói.

Công nhân đang sản xuất nệm ở Công ty Thế Linh, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa.   Ảnh: V.NAM
Công nhân đang sản xuất nệm ở Công ty Thế Linh, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa. Ảnh: V.NAM

Ngoài những tác động của kinh tế thế giới thì trong nước cũng còn nhiều bất trắc. Cũng theo ông Thiên, số DN đóng cửa đến nay vẫn ở mức cao (15.300 DN đóng cửa trong quý I) và vẫn tiếp tục tăng cho thấy nền kinh tế chưa “dễ thở”; quan điểm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước dường như “bất động” dẫn đến khả năng tiếp cận nhanh nguồn vốn giá rẻ của các DN khó đạt được. Vì vậy quá trình phục hồi của DN vẫn khá xa vời. Một sức ép nữa là Chính phủ đang thiếu nguồn lực để trả nợ hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền đầu tư xây dựng cơ bản cho DN khiến cho DN đã khó lại khó thêm.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, đến từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chính sách - Trường đại học kinh tế, (Đại học quốc gia Hà Nội) nói: “Lạm phát hiện nay không cao như các năm trước vì tổng cầu đang suy yếu nhưng rủi ro lạm phát quay trở lại đe dọa nền kinh tế vẫn cao. Nhiều chính sách đã gây ra bất ổn tiềm tàng như: ngoại hối, vàng và đặc biệt là các chính sách trợ cấp, kiểm soát giá, kích thích kinh tế thiếu cơ sở”.

* Khôi phục lòng tin

Cũng theo ông Thiên, thì việc khôi phục lòng tin vào quyết tâm hành động của Chính phủ hiện nay là rất quan trọng. Chính phủ cần tập trung ưu tiên trả nợ vốn xây dựng cơ bản cho DN mà không nên ưu tiên việc đầu tư bằng nguồn ngân sách. “Theo tôi phải đi vay tiền để trả nợ cho DN lúc này cũng là cần thiết vì lợi ích thu được từ hoạt động của các DN là rất lớn, nó giải tỏa đáng kể một phần nợ xấu và kích hoạt phá “cục máu đông” của nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có cách nhìn khác, không nên tập trung quá nhiều và việc tháo gỡ khó khăn mà cần tập trung cho việc tái cơ cấu và phải có tầm nhìn dài hạn. Đã vướng vào nợ xấu và bong bóng bất động sản thì không thể nghĩ việc tháo gỡ được ngay mà cần rất nhiều thời gian và chi phí không nhỏ” - ông Thiên nhấn mạnh.

Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì cần thiết kế những chính sách hỗ trợ phù hợp hơn đối với DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, bởi cơ hội cho các DN này thời gian qua đang bị giảm nhiều, trong khi đóng góp của khu vực DN ngoài quốc doanh là không nhỏ.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, để kinh tế có thể sớm hồi phục thì cần phải phân bố lại nguồn lực, cụ thể là cải cách mạnh và thu hẹp khu vực DN nhà nước, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều