Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiên tai gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng

09:04, 07/04/2013

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, định hướng từ nay đến năm 2020 vào ngày 6-4.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, định hướng từ nay đến năm 2020 vào ngày 6-4.

Thời gian qua, thiên tai làm cả nước thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Theo đó, từ năm 2008 đến cuối 2012, thiên tai làm cả nước chết, mất tích gần 1,9 ngàn người, bị thương gần 3 ngàn người, đồng thời gây thiệt hại về tài sản gần 74 ngàn tỷ đồng, tăng trên 19 ngàn tỷ đồng so với  giai đoạn 2002-2007. Như vậy, tỷ lệ thiệt hại về tài sản chiếm 1,48% so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm.

* Quy hoạch kinh tế phải tính đến thiên tai

Ban Chỉ đạo PCLB trung ương cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên 5 năm lại đây, thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra ngày càng lớn. Cụ thể trong giai đoạn 2002-2007, thiệt hại về tài sản chỉ khoảng 11 ngàn tỷ đồng/năm, nhưng từ năm 2008 đến nay, con số này tăng lên gần 15 ngàn tỷ đồng/năm. Dự báo, năm 2013 và những năm tiếp theo, thời tiết Việt Nam vẫn diễn biến bất thường vì bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông sẽ dày đặc hơn. Trong đó, hướng đi của các cơn bão, áp thấp khó dự báo hơn và sẽ có nhiều cơn bão mạnh lên thành “siêu bão” với khả năng tàn phá rất lớn.

TP. Biên Hòa khắc phục hậu quả sau cơn bão số 1 (ngày 1-4-2012).         (Ảnh tư liệu)
TP. Biên Hòa khắc phục hậu quả sau cơn bão số 1 (ngày 1-4-2012). (Ảnh tư liệu)

Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng ban Chỉ đạo PCLB trung ương nhận định: “Gần đây, dù đã nỗ lực trong công tác PCLB, số người chết, mất tích giảm, song thiệt hại về kinh tế ngày càng tăng. Nguyên nhân chính là do các địa phương chưa lồng ghép yêu cầu phòng ngừa thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Một nguyên nhân góp phần tăng thiệt hại cho người dân là tình trạng xả lũ tại các hồ thủy điện trong mùa mưa. Vấn đề này được rất nhiều tỉnh, thành quan tâm, vì khi xảy ra mưa lũ, các hồ đồng loạt xả nước để đảm bảo an toàn khiến vùng hạ lưu bị ngập lụt, gây thiệt hại lớn về tài sản. Liên quan vấn đề này, đại diện Bộ Công thương yêu cầu các địa phương có hồ thủy điện phải ngồi lại với nhau để thống nhất liên kết xả lũ cho phù hợp, giảm ngập lụt và thiệt hại cho vùng hạ lưu. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định vận hành liên hồ chứa.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, mỗi năm cả nước tốn gần 1 ngàn tỷ đồng, hàng ngàn tấn giống lương thực cứu trợ cho người dân bị thiên tai. Và thiệt hại về kinh tế do bão lụt gây ra là rất lớn. Do đó, các địa phương cần làm tốt công tác dự báo, phòng chống thiên tai để hạn chế bớt những thiệt hại kinh tế.

* Trực bão quanh năm

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn kiêm Trưởng ban Chỉ đạo PCLB trung ương Cao Đức Phát. Ông Phát phân tích, hai năm lại đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão, áp thấp nhiệt đới vào Việt Nam không còn theo mùa. Trước đây, bão thường xuất hiện từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 11, nhưng năm 2012 bão xuất hiện từ cuối tháng 3 và năm 2013, tháng 1 đã có bão và áp thấp nhiệt đới. Vì thế, nếu các địa phương lơ là không có kế hoạch chuẩn bị sẵn, khi xảy ra bão sẽ trở tay không kịp và thiệt hại về người, tài sản sẽ rất lớn.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, người dân còn rất thiếu các thông tin về dự báo bão, lũ nên công tác phòng chống còn hạn chế. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, để các cơ quan truyền thông kịp thời đưa tin, Chính phủ nên có quy chế về cung cấp thông tin về dự báo và phòng chống thiên tai. Như vậy, cơ quan truyền thông mới có thông tin chính thống chuyển tới người dân trong nước nhanh nhất. Các tỉnh, thành có hồ chứa, liên kết với các đơn vị quản lý để nắm trước lịch xả lũ và trực tiếp đề nghị báo chí hỗ trợ, đưa tin cho người dân vùng hạ lưu biết trước để chủ động phòng tránh.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, cho biết: “Năm 2013, sẽ có 11-13 cơn bão, áp thấp hoạt động trên biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Cuối tháng 4 xuất hiện mưa trên diện rộng, tình hình hạn hán ở khu vực Nam bộ và Tây Nguyên mới giảm bớt. Trong mùa mưa, mưa lớn tập trung nửa đầu mùa”. Ông Tăng cũng lưu ý, bão và áp thấp nhiệt đới năm 2013 xuất hiện sớm ở phía Nam biển Đông. Vì vậy, thời tiết, thủy văn trên cả nước sẽ diễn biến phức tạp, các địa phương đề phòng có thể xảy ra bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất ở các vùng cao, gần sông suối.

Tại Đồng Nai, do không đề phòng cẩn thận nên cơn bão số 1 năm 2012 sau khi vào đất liền chuyển thành áp thấp nhưng vẫn làm chết 2 người, bị thương 11 người và thiệt hại về tài sản gần 270 tỷ đồng. “Thiên tai ngày càng khốc liệt, muốn giảm nhẹ thiệt hại, các tỉnh, thành phải tập hợp nhiều giải pháp và triển khai đồng bộ. Lồng ghép chương trình PCLB trong phát triển kinh tế - xã hội” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Hương Giang

                                                                                 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều