Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát tại hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản diễn ra ngày 4-4.
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát tại hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản diễn ra ngày 4-4.
Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, mức độ vi phạm về chất lượng nông, lâm, thủy sản từ năm 2010 đến nay tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao.
Tỷ lệ rau, quả ở Đồng Nai còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn trên 9%. Ảnh: H.Giang |
Vi phạm còn nhiều
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định: “Kết quả giám sát các hóa chất độc hại trong rau củ quả, cá, thịt trong 3 năm trở lại đây cho thấy tuy có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao”. Cụ thể, trên rau kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tại 11 tỉnh, thành trong năm 2011, tỷ lệ vượt ngưỡng cho phép chiếm hơn 10%, nhưng năm 2012 cũng chỉ giảm xuống còn 8%. Thịt heo, gà bị ô nhiễm vi sinh vật tại các cơ sở giết mổ cũng còn cao.
Đại diện nhiều tỉnh, thành cho rằng, vi phạm về chất lượng nông, lâm, thủy sản còn cao là do còn thiếu văn bản hướng dẫn phối hợp thực hiện; mức độ xử phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Như với rau sản xuất để tồn dư thuốc bảo vệ vượt quá quy định cho phép hầu hết chỉ là nhắc nhở. Bên cạnh đó, Chính phủ chưa có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích những hộ gia đình, cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản sạch.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, công tác quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm thời gian qua có được tăng cường, nhưng sự phối hợp với các ngành còn yếu dẫn đến vẫn còn tồn dư các chất cấm trong rau, thịt ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện các văn bản pháp lý để có cơ chế chính sách quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm tốt hơn.
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Tại buổi giao lưu trực tuyến, Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý: “Nhiệm vụ trọng tâm số một của ngành nông nghiệp trong năm 2013 là tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản để giảm 10% các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm”. Bộ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh, thành nhanh chóng hoàn thành phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, các lò giết mổ và sơ chế nông sản. Những cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh được gia hạn để khắc phục và sau thời gian gia hạn, tiếp tục kiểm tra nếu không có chuyển biến thì thu hồi giấy phép kinh doanh và công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và từ chối sản phẩm kém chất lượng.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay: “Cục sẽ đề nghị Bộ NN-PTNT có những cơ chế loại bỏ dần các loại thuốc gây hại nhiều cho rau, củ, quả và môi trường. Các loại rau, quả nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được kiểm tra kỹ hơn”. Đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thì đề xuất, hiện nay một số mặt hàng rau, quả chưa quản lý chặt khi nhập khẩu về nên xảy ra vấn đề gì rất khó truy xuất nguồn gốc.
Tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nói, tỉnh sẽ tập trung vào các khâu trọng yếu quyết định chất lượng rau quả, như: Sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly, nguồn nước tưới. Còn sản phẩm thịt heo, gà, khâu chăn nuôi trong tỉnh khá bài bản nên sẽ tăng cường quản lý giết mổ.
Hương Giang