Đó là nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) gần đây. Theo Bí thư Tỉnh ủy, nếu xây dựng NTM mà chỉ huy động làm đầy đủ cơ sở hạ tầng, trong khi đời sống của người dân đi xuống, thì không nên làm.
Đó là nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) gần đây. Theo Bí thư Tỉnh ủy, nếu xây dựng NTM mà chỉ huy động làm đầy đủ cơ sở hạ tầng, trong khi đời sống của người dân đi xuống, thì không nên làm.
Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh vẫn cho rằng, xây dựng NTM chỉ là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm. Vì vậy, nhiều xã đều chung một đề nghị tăng nguồn kinh phí hỗ trợ để xây dựng hạ tầng. Với số tiền trên 1 ngàn tỷ đồng/năm cho xây dựng NTM, ngân sách khó đáp ứng.
* Bắt đầu từ sản xuất
Trong số 34 xã điểm được chọn làm NTM, chỉ một vài xã tìm bước đột phá đầu tư sản xuất, như: Suối Nho (huyện Định Quán), Xuân Thọ, Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). Bà Đặng Thị Hiên, ấp 2, xã Suối Nho nói: “Tôi thấy điều được nhất của NTM là huyện đầu tư đường điện ra đồng để nông dân có thể sản xuất vụ đông - xuân, thu nhập trên cùng diện tích tăng gần gấp đôi. Nhờ đó, đời sống của gia đình tôi bớt khó khăn”. Khi được hỏi, thu nhập tăng lên nếu được vận động đóng góp cho các phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương bà có tham gia không, bà Hiên trả lời không cần suy nghĩ, rằng nếu thu nhập cao và cần đóng góp để xây dựng hạ tầng sẽ hưởng ứng ngay.
Nhờ huyện kéo điện ra đồng, nông dân ở xã Suối Nho (huyện Định Quán) có thể trồng rau quanh năm, nâng cao thu nhập. Ảnh: K.MINH |
Ông Trịnh Phú Cường, Phó chủ tịch UBND xã Suối Nho, cho biết: “Trước khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM; thu nhập bình quân của người dân trong xã là 14,5 triệu đồng/năm. Sau hơn 3 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân tăng lên 26 triệu đồng/năm”. Có được bước đột phá này là nhờ Suối Nho đã đầu tư điện, kỹ thuật để nông dân sản xuất tăng vụ, tăng năng suất, hạ chi phí đầu vào. Nếu như, cuối năm 2010, thu nhập trên đất nông nghiệp của xã này chỉ 47 triệu đồng/hécta thì hiện nay tăng lên 90 triệu đồng/hécta. Hay như xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) là xã thuần nông, đời sống của bà con trước đây hết sức khó khăn, nhưng đây lại là một trong 5 xã của tỉnh hoàn thành 19 tiêu chí về NTM.
Đồng Nai hiện có 136 xã nông thôn. Trong đó, tỉnh dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành xây dựng NTM ở 34 xã điểm. Đến thời điểm này, có 5 xã ở huyện Xuân Lộc hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Nguồn vốn cần để đầu tư cho các xã điểm từ nay đến 2015 là trên 1 ngàn tỷ đồng/năm, bình quân mỗi xã hơn 31 tỷ đồng/năm. Đa số các xã đều chờ đợi nguồn ngân sách tỉnh, huyện rót về, vì thu nhập của người dân chưa cao nên huy động nguồn lực từ dân rất khó khăn. |
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: “Cách làm của xã Xuân Phú bắt đầu từ đầu tư hỗ trợ kênh mương nội đồng để người dân có nước canh tác 3 vụ/năm, vận động dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp và áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, nhờ vậy thu nhập người dân tăng cao”.
* Không để gánh nặng cho dân
“Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã NTM là cần thiết, nhưng không được huy động sức dân nhiều quá, sẽ thành gánh nặng cho dân. Xu hướng của nông dân hiện nay là mất dần đất đai, sản xuất lệ thuộc vào thời tiết, thị trường nên nhiều nơi nông dân đang chán làm nông nghiệp. Vì vậy, các địa phương phải hóa giải việc này bằng cách nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng mảnh đất” - Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành phân tích.
Được hỗ trợ kỹ thuật, nhiều nông dân trồng tiêu xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) có năng suất từ 4-7 tấn/hécta/năm. Trong ảnh: Ông Thắng ở xã Xuân Thọ, người trồng tiêu có năng suất cao nhất tỉnh trong nhiều năm. Ảnh: K.MINH |
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhận định: “Nơi nào huyện, xã quan tâm nhiều đến xây dựng NTM và tìm ra bước đột phá trong sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, nơi đó chương trình chuyển biến tốt. Khó khăn lớn nhất của nông dân hiện nay là đầu ra cho nông sản. Vì thế, tỉnh đang tiến hành một số chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân để nông sản có đầu ra ổn định, nông dân yên tâm sản xuất”.
Hiện nay, một số xã điểm xây dựng NTM chưa có nhiều chuyển biến về thu nhập người dân, một phần là do chính quyền địa phương chỉ chú trọng việc vận động, xin kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng và chưa chú trọng đến việc hỗ trợ nông dân sản xuất tăng thu nhập.
Khánh Minh