Từ đầu quý II, ngành sản xuất quần áo, chăn, drap, gối, nệm… bán ở thị trường trong nước bước vào mùa thấp điểm. Kinh tế khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở phải xoay trở khá vất vả để duy trì sản xuất.
Từ đầu quý II, ngành sản xuất quần áo, chăn, drap, gối, nệm… bán ở thị trường trong nước bước vào mùa thấp điểm. Kinh tế khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở phải xoay trở khá vất vả để duy trì sản xuất.
Nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực may hàng nội địa nhận xét, 2013 là năm khó khăn nhất từ trước đến nay. Hàng giảm cả về số lượng lẫn giá cả, mặc cho nhà sản xuất đưa ra nhiều kiểu khuyến mãi để kích cầu.
* Đìu hiu ngành hàng quần áo
Hơn một tháng nay, tại cơ sở may của anh Lâm Trọng Hoàng ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa gần 20 công nhân chỉ còn làm việc nửa ngày do hết hàng. Quần áo do cơ sở anh Hoàng may chuyên cung cấp cho các mối hàng ở chợ An Đông và Bà Chiểu (TP.Hồ Chí Minh).
Sản xuất nệm tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh. |
Hơn 10 năm may quần áo bán chợ thì đây là năm đầu tiên cơ sở anh thiếu hàng để làm. Anh Hoàng chia sẻ: “Tôi mới phải đi liên hệ với một số DN, nhận hàng về gia công để công nhân có việc vì như hiện tại, chỉ làm có nửa ngày nên thu nhập rất thấp. Mấy năm trước vào mùa này công nhân không tăng ca nhưng cũng có việc đều. Trước đây, một tuần phải giao hàng hai lần, còn bây giờ từ hai đến ba tuần các chủ sạp mới gọi hàng”. Anh Hoàng cũng cho biết thêm, mỗi sản phẩm (áo hoặc quần) hiện tại giá may đã giảm hơn so với cuối năm 2012 tới 5 ngàn đồng.
Anh Lê Đình Nguyện, chủ một cơ sở ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa chuyên may gia công hàng thể thao cho các DN cũng cho biết, việc tiêu thụ quần áo thể thao năm nay khá khó khăn. Mặt hàng thể thao tiêu thụ thường đều quanh năm nhưng đầu năm nay, các đơn đặt hàng cũng bị chựng lại. Theo tính toán của các đơn vị may thì việc chọn may gia công hàng nội địa có thu nhập cao hơn so với may gia công cho các công ty xuất khẩu. Nhưng với tình thế hiện nay, không ít cơ sở phải tìm cách tham gia vào may gia công xuất khẩu để duy trì hoạt động.
* Gối, nệm cũng chật vật
Ngành sản xuất chăn, drap, gối, nệm hiện cũng đang chịu nhiều sức ép về tiêu thụ sản phẩm. Bà Hồ Thị Thu Nga, chủ DN tư nhân Thu Nga ở Dĩ An, Bình Dương chuyên sản xuất drap cho biết, so với cùng kỳ năm 2012 thì 3 tháng đầu năm nay sản lượng hàng tiêu thụ của DN bà đã giảm gần một nửa. Bà Nga nói: “3 tháng đầu năm 2012, tôi bán ra gần 1 ngàn bộ drap, còn năm nay chỉ 600 bộ, tính ra mỗi tháng giảm hơn 100 bộ”. Từ cuối năm 2012 đến nay, để tiêu thụ tốt hơn, DN tư nhân Thu Nga còn phải hỗ trợ các điểm bán hàng của mình phí dịch vụ vận chuyển hàng, chính sách khuyến mãi, giảm giá vào các dịp lễ, tết.
Cơ sở may đồ thun của anh Lê Đình Nguyện, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa. |
Anh Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cũng khẳng định, sức mua của năm nay yếu hơn mọi năm. Mỗi tháng Thế Linh cung cấp cho thị trường trên 45 ngàn chiếc gối, 10 ngàn chiếc nệm và khoảng 1 ngàn bộ drap. Hàng của DN có mặt ở 20 tỉnh, thành phía Nam thông qua 800 đại lý TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên.
Anh Linh nói: “Sức mua đang suy giảm khá mạnh, người tiêu dùng có xu hướng chọn những sản phẩm giá rẻ không cần có thương hiệu, dù biết rằng chất lượng kém. Đây là năm khó khăn chưa từng có của ngành này trong nhiều năm qua. Ngoài việc tìm mọi cách tiết kiệm chi phí sản xuất thì tôi phải thay đổi toàn bộ chiến lược sản xuất kinh doanh cho phù hợp”. Theo đó, Thế Linh sẽ đi vào dòng hàng có giá bán phù hợp và đảm bảo chất lượng tốt; ưu tiên tăng doanh thu để đảm bảo công việc; đầu tư đổi mới một số công nghệ để nâng chất lượng sản phẩm thêm sức cạnh tranh. Thực tế, để đạt được doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm như mong đợi, đòi hỏi DN phải vượt qua nhiều thách thức.
Khảo sát cho thấy, nhiều đơn vị khác trong ngành cũng đang xoay trở vất vả với những khó khăn, chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân sức mua sụt giảm.
Vân Nam