Báo Đồng Nai điện tử
En

Hưởng lợi từ rừng, phải trả phí

08:04, 05/04/2013

Các đơn vị hưởng lợi từ rừng phải nộp phí dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ ban hành năm 2010. Số tiền thu được chủ yếu sẽ chi trả cho các chủ rừng để họ có điều kiện giữ rừng tốt hơn...

Các đơn vị hưởng lợi từ rừng phải nộp phí dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ ban hành năm 2010. Số tiền thu được chủ yếu sẽ chi trả cho các chủ rừng để họ có điều kiện giữ rừng tốt hơn...

Những đơn vị sử dụng dịch vụ liên quan đến rừng thuộc 2 tỉnh trở lên sẽ do Quỹ Bảo vệ phát triển rừng trung ương thu. Sau đó, Ban quản lý quỹ sẽ tính toán chi trả phí này về cho từng tỉnh. Còn các công trình trong tỉnh sẽ do Quỹ Bảo vệ phát triển rừng của tỉnh thu. Hiện Đồng Nai đang thuê đơn vị tư vấn tính toán chi trả cho các chủ rừng, các hộ nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng trên toàn tỉnh.

* Ai phải trả phí?

Năm đối tượng sẽ phải chi trả phí dịch môi trường rừng là: các nhà máy thủy điện; các cơ sở sản xuất cung ứng nước sạch; các tổ chức và cá nhân kinh doanh du lịch; các cơ sở sản xuất công nghiệp và các cơ sở nuôi trồng thủy sản có sử dụng nguồn nước từ rừng. Tuy nhiên, hiện nay từ trung ương đến các tỉnh, thành chỉ tiến hành thu phí của nhà máy thủy điện, các cơ sở cung ứng nước sạch và kinh doanh du lịch. Còn phí của hai đối tượng sau cùng vẫn chưa thu.

Công ty thủy điện Trị An là một trong những đơn vị đóng phí dịch vụ rừng sớm nhất của tỉnh.            Ảnh: H.GIANG
Công ty thủy điện Trị An là một trong những đơn vị đóng phí dịch vụ rừng sớm nhất của tỉnh. Ảnh: H.GIANG

Trong năm 2012, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng trung ương đã thu được trên 1 ngàn tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng. Nguồn kinh phí này được tái đầu tư cho công tác trồng, bảo vệ rừng để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Đa số các đơn vị, cá nhân phải đóng phí đều đồng tình và cho rằng việc này rất cần thiết. Ông Võ Tấn Nhẫn, Phó giám đốc Công ty thủy điện Trị An cho biết: “Năm 2012, công ty đã đóng trên 30 tỷ đồng tiền phí dịch vụ môi trường rừng và năm nay xấp xỉ gần 40 tỷ đồng. Phí dịch vụ sẽ cộng vào giá thành của điện để mọi người hưởng lợi từ rừng đều có trách nhiệm chung cho công tác bảo vệ và giữ rừng”.

Ở Đồng Nai hiện có hai đơn vị đã tiến hành trả phí dịch vụ môi trường rừng là Công ty thủy điện Trị An và Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai. “Số tiền công ty chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 2 tỷ đồng/năm. Khi có thông báo, công ty tiến hành nộp phí ngay, vì đây là nguồn kinh phí hỗ trợ để bảo vệ rừng. Bởi có bảo vệ rừng tốt thì mới đảm bảo nguồn nước ngọt sử dụng cho sinh hoạt hiện tại và tương lai” - ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên xây dựng và cấp nước Đồng Nai nói.

* Giữ rừng được trả công

Ông Tô Uy Phong, Phó trưởng phòng Lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: “Đồng Nai hiện có 11 chủ rừng, 24 xã nhận quản lý bảo vệ rừng và trên 5 ngàn hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng của các hộ gia đình. Tỉnh đang rà soát lại các đơn vị, cá nhân đủ điều kiện hưởng phí dịch vụ rừng và mức tiền được nhận”.

Các nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch là đối tượng phải đóng phí bảo vệ rừng. Trong ảnh: Trạm khai thác nước tại Biên Hòa của Công ty TNHH một thành viên xây dựng và cấp nước Đồng Nai cung cấp nước sinh hoạt TP. Biên Hòa.            Ảnh: H.GIANG
Các nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch là đối tượng phải đóng phí bảo vệ rừng. Trong ảnh: Trạm khai thác nước tại Biên Hòa của Công ty TNHH một thành viên xây dựng và cấp nước Đồng Nai cung cấp nước sinh hoạt TP. Biên Hòa. Ảnh: H.GIANG

Ông Phong chia sẻ thêm, tỉnh đã nhận được hơn 8 tỷ đồng do trung ương trích về cho Đồng Nai từ các công trình sử dụng dịch vụ rừng liên tỉnh. Khả năng cuối năm 2013 sẽ hoàn thành việc tính toán và tiến hành thu tiền của hơn 10 đơn vị thuộc diện phải đóng phí trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh bắt đầu chi trả công giữ rừng cho các chủ rừng, các xã nhận quản lý rừng và những hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

Theo Nghị định 99 của Chính phủ, mức phí dịch vụ môi trường rừng với các nhà máy thủy điện là 20 đồng/kWh, các cơ sở sản xuất cung cấp nước sạch là 40 đồng/m3 và 1-2% trên tổng doanh thu của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.

Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc khẳng định: “Là một trong những chủ rừng nhận quản lý diện tích rừng lớn, tôi mong chính sách trên sớm triển khai. Có thêm kinh phí, các chủ rừng có thể đầu tư thêm các thiết bị bảo vệ rừng và đời sống của cán bộ, các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng được cải thiện. Như vậy, công tác bảo vệ rừng sẽ tốt hơn”. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, việc đóng phí dịch vụ môi trường rừng còn giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công tác bảo vệ và giữ rừng.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều