Báo Đồng Nai điện tử
En

Hậu dự án 2 tỷ USD

10:04, 10/04/2013

Quá thời hạn quy định nhưng không chịu triển khai, dự án Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch bị rút giấy phép đầu tư. Song, hậu dự án 2 tỷ USD nói trên, đời sống của người dân ở vùng quy hoạch dự án vẫn chưa có gì sáng sủa hơn.

Quá thời hạn quy định nhưng không chịu triển khai, dự án Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch bị rút giấy phép đầu tư. Song, hậu dự án 2 tỷ USD nói trên, đời sống của người dân ở vùng quy hoạch dự án vẫn chưa có gì sáng sủa hơn.

Dự án Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch được quy hoạch trên khu đất rộng 600 hécta thuộc 3 xã: Long Tân, Vĩnh Thanh và Phước An. Dự án này được cấp phép đầu tư vào năm 2009 cho Công ty TNHH Berjaya Leisure (Cayman) thuộc Tập đoàn Berjaya của Malaysia. Công ty này bị rút giấy phép đầu tư vì quá thời hạn 12 tháng chưa triển khai dự án và cũng không làm giấy phép gia hạn.

* Quyền lợi người dân vẫn “treo”

Đó là bức xúc câu nói của nhiều người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch. Hơn 4 năm nay, đa số quyền lợi của người dân trên mảnh đất nằm trong vùng quy hoạch dự án đều bị ngưng lại. Do đó, lúc nào họ cũng thấp thỏm lo lắng, không dám đầu tư sản xuất. Ông Thân Đức Hướng, người dân ở ấp Đoàn Kết, xã Vĩnh Thanh, bức xúc: “Dự án treo suốt mấy năm liền làm tôi không thể thế chấp đất vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện dự án đã bị rút giấy phép nhưng quy hoạch vẫn giữ để mời gọi chủ đầu tư khác, như vậy có khác nào tiếp tục “treo” ?”.

Vùng quy hoạch dự án ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) bị bỏ hoang vì dân không dám đầu tư sản xuất. Ảnh H.Giang
Vùng quy hoạch dự án ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) bị bỏ hoang vì dân không dám đầu tư sản xuất. Ảnh H.Giang

Đối với thông tin tỉnh đã thu hồi giấy phép của chủ đầu tư Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch, đa số người dân nằm trong vùng dự án đều cho hay, họ chỉ nghe, biết thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Theo quy định, khi dự án hết hạn triển khai bị rút giấy phép, người dân sẽ được trả lại các quyền lợi trên mảnh đất của mình, song thực tế cũng chẳng sáng sủa hơn. “Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay trang 2 ghi là đất quy hoạch khu trung tâm đô thị mới 600 hécta sẽ bị thu hồi nên khi dự án bị rút phép, dân cũng không thể thế chấp vay vốn hoặc chuyển nhượng” - ông Trương Đình Thịnh, ấp Đoàn Kết, xã Vĩnh Thanh nói.

Không riêng gì ông Hướng, ông Thịnh bị dự án này “hành” mà hơn 1 ngàn hộ dân nơi đây hiện cũng đang gặp cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Người dân xã Vĩnh Thanh sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, nhưng vì là đất quy hoạch nên đa số bỏ hoang cho cỏ mọc hoặc trồng mì tạm bợ, lợi nhuận thu được chẳng đáng là bao. Hai năm trở lại đây, mì bị sâu bệnh hoành hành khiến nông dân càng thêm cơ cực.

* Tiếp tục chờ nhà đầu tư khác

Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, giải thích: “Phía nhà đầu tư gặp khó khăn nên họ xin ngưng đầu tư, huyện đề nghị tỉnh rút giấy phép. Dự án bị rút phép nhưng quy hoạch khu trung tâm vẫn còn nên huyện tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư khác đủ năng lực vào đầu tư tiếp”. Ông Đức cho biết thêm, trong thời gian chưa có nhà đầu tư mới, người dân ở 3 xã này sẽ được trả lại các quyền lợi trên mảnh đất của họ.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Thân Đức Hướng bị ghi thuộc dự án khu đô thị mới 600 hécta phải thu hồi đất nên không thể thế chấp vay vốn hay sang nhượng.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Thân Đức Hướng bị ghi thuộc dự án khu đô thị mới 600 hécta phải thu hồi đất nên không thể thế chấp vay vốn hay sang nhượng.

 

Dự án Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch có diện tích 600 hécta. Trong đó, xã Vĩnh Thanh 450 hécta, Long Tân khoảng 100 hécta và Phước An 50 hécta. Theo quy hoạch, sau khi dự án hoàn thành sẽ kết nối với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành và góp phần thúc đẩy Nhơn Trạch trở thành đô thị loại 2.

Ông Phạm Quốc Hợp, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh, cho biết: “Xã có 450 hécta đất nằm trong dự án, dự án này kéo dài nhiều năm gây không ít bức xúc cho dân. Dự án đã bị rút giấy phép nhưng quy hoạch vùng vẫn giữ nên người dân có quyền cho, bán đất nhưng phải từ 500m2 trở lên. Còn nhà cửa trên đất này vẫn giữ nguyên hiện trạng không được xây dựng mới và không được chuyển mục đích sử dụng đất”. Như vậy, nói là trả lại mọi quyền lợi trên đất nhưng thực tế người dân tại vùng quy hoạch vẫn bị hạn chế rất nhiều lợi ích. Trên thực tế, nếu ngay cả các quyền lợi được “trả lại”, họ cũng khó lòng thực hiện, vì chẳng có ai “dại” bỏ ra một khoản tiền lớn để mua miếng đất đang quy hoạch và sẽ bị thu hồi.

Chị Lê Hồng Loan ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh buồn bã nói: “Trước đây, tôi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng mua 6,5 hécta đất ở xã Long Tân. Nhưng chẳng may đất vướng vào quy hoạch dự án nên không dám đầu tư, đất thì tiền tỷ mà giờ chỉ để trồng mì, buồn lắm! Tôi chỉ mong sao bán được đất thu hồi tiền để làm việc khác”. Vậy nên, hậu dự án 2 tỷ USD, thắc mắc lớn nhất của không ít người dân ở 3 xã thuộc dự án trên là liệu với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay biết bao giờ mới có nhà đầu tư mới cho dự án có số vốn “khủng” này? Và dù có nhà đầu tư mới, liệu dự án có triển khai được theo đúng tiến độ hay lại tiếp tục… treo?

Hương Giang - Hải Đăng

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích