Sau hàng loạt các vụ tai tiếng về thực phẩm Trung Quốc chứa chất độc hại, tình trạng rau, quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt ngày càng phổ biến trên thị trường. Nhiều sản phẩm, như: nho, lê, táo… Trung Quốc cũng bị đẩy giá, mạo danh trái cây Mỹ, Úc, Nhật để lừa người mua.
Sau hàng loạt các vụ tai tiếng về thực phẩm Trung Quốc chứa chất độc hại, tình trạng rau, quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt ngày càng phổ biến trên thị trường. Nhiều sản phẩm, như: nho, lê, táo… Trung Quốc cũng bị đẩy giá, mạo danh trái cây Mỹ, Úc, Nhật để lừa người mua.
Ông Dương Chí Dũng, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai, cho biết hiện chưa có căn cứ để xử lý những trường hợp tiểu thương cố tình nói sai về xuất xứ các loại rau, củ, quả vì họ thường chỉ giới thiệu miệng với khách.
* Cam Vinh, nho Mỹ “gốc”... Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), thời điểm này không có cam Vinh (Nghệ An) về chợ vì mùa thu hoạch vào các tháng cuối năm. Nhưng trên thị trường hiện đang tràn ngập loại cam có vỏ màu vàng được những người bán giới thiệu là cam Vinh!
Trái cây nhập về chợ đầu mối Tân Biên (TP. Biên Hòa). |
Để xác minh nguồn gốc của loại cam này, phóng viên đã tìm đến chợ đầu mối rau, củ Tân Biên (TP. Biên Hòa). Vào khoảng hơn 4 giờ sáng, hoạt động mua bán, giao nhận hàng ở đây diễn ra khá tấp nập. Loại “cam Vinh” được đóng trong các thùng xốp, quan sát kỹ sẽ thấy góc bao bì có in chữ Trung Quốc được bán với giá 60 ngàn đồng/thùng 7kg. Nếu khách mua sỉ từ 10 thùng trở lên sẽ được giảm thêm 10 ngàn đồng/thùng.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai, quý I-2013, đơn vị phát hiện, bắt giữ nhiều mặt hàng tiêu dùng, như: bột ngọt, đường, xà bông… bị làm giả. Cụ thể với mặt hàng bột ngọt, đối tượng làm giả đi mua loại bột ngọt Trung Quốc bán trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, tổ chức đóng vào bao bì in sẵn (cũng được nhập về từ Trung Quốc) rồi đem phân phối ra thị trường. |
Tương tự, các loại táo, lê, nho… Trung Quốc cũng được bày bán khá phổ biến tại đây. Nho đỏ có giá bán lẻ khoảng 40 ngàn đồng/kg; táo, lê đồng giá 23 ngàn đồng/kg. Những thùng trái cây Trung Quốc được chở về các chợ bán lẻ, tiểu thương liền gỡ bỏ bao bì, chất lên sạp hoặc xe đẩy đem bán cho khách. Và khi giới thiệu, họ đều né nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều nơi không ngại đẩy giá lên cao và giới thiệu đây là hàng Mỹ, hàng Nhật.
* Người tiêu dùng và nông dân đều thiệt
Chị Phạm Thị Quế, người dân ở TP. Biên Hòa, lo lắng giờ ra chợ mua gì cũng sợ chọn nhầm hàng Trung Quốc có chất độc hại. “Tôi đã bỏ công tìm hiểu để biết cách phân biệt rau, quả Việt và hàng Trung Quốc nhưng vẫn không ít lần bị lừa. Có đợt, tôi mua cam sành loại 1, nhìn bên ngoài còn tươi mơn mởn nhưng khi về vắt cho con uống thì trong ruột cam đã úng. Tôi bỏ tiền giá cao mong mua được hàng chất lượng nhưng vẫn rơi vào cảnh vừa mất tiền, vừa rước nỗi lo vào mình”- chị Quế bức xúc.
Dù vẫn còn những vỏ thùng đựng trái cây in chữ Trung Quốc nhưng người bán tại chợ Tân Phong (TP.Biên Hòa) lại giới thiệu đây là cam Vinh, nho Mỹ. Ảnh: B. NGUYÊN |
Bà Đặng Thị Hiệp, chủ trang trại chăn nuôi gà tại huyện Trảng Bom, chia sẻ: “Nhiều lần thương lái Trung Quốc đã tìm đến tận trang trại tôi mua loại gà mái đẻ sau khi hết vòng đời. Họ trả giá cao, mua cả đàn mà không cần loại những con yếu, bệnh. Nhưng sau những đợt gom hàng đó, giá gà trên thị trường “rớt” thê thảm khiến người chăn nuôi điêu đứng”. Theo bà Hiệp, trứng gà do nông dân nuôi cũng cạnh tranh rất vất vả vì trứng Trung Quốc giá rẻ có mặt khắp nơi còn người tiêu dùng thì không thể phân biệt đâu là trứng gà ta, gà Trung Quốc.
Ông Mai Văn Khẩn, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau, củ, quả an toàn Thái Phiên, TP. Đà Lạt cho biết: “Bao nhiêu năm nay, nỗi lo thường trực của nông dân vẫn là sự bấp bênh của thị trường. Không ít lần, họ phải cày bỏ ruộng rau đang mùa thu hoạch vì không thể bán được hàng. Trong đó, nạn rau, củ Trung Quốc đội lốt hàng Đà Lạt gây hại trực tiếp cho nông dân.” Ông Khẩn dẫn chứng, loại bắp cải tím vốn chỉ trồng ở Đà Lạt, được thị trường rất chuộng nên giá khá cao. Ngay lập tức hàng Trung Quốc tràn sang, gắn mác đặc sản Đà Lạt len lỏi khắp nơi. Giờ nhiều nhà vườn không còn trồng loại rau từng đem lại thu nhập cao này vì lép vế trước hàng Trung Quốc mạo danh.
Bình Nguyên