Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (UBKHCNMT) Quốc hội vừa có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành cùng chủ đầu tư về dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Đây là dự án mà rất nhiều nhà khoa học cũng như các tổ chức thế giới khuyên dừng.
Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (UBKHCNMT) Quốc hội vừa có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành cùng chủ đầu tư về dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Đây là dự án mà rất nhiều nhà khoa học cũng như các tổ chức thế giới khuyên dừng.
Chủ đầu tư dự án, Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đã “thỉnh” hai nhà khoa học được tập đoàn cho là hàng đầu Việt Nam đến để thuyết trình với đoàn công tác UBKHCNMT Quốc hội về hai dự án (DA) thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Tuy nhiên, lý luận mà Tập đoàn Đức Long Gia Lai đưa ra vẫn chỉ loanh quanh về lợi ích kinh tế.
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội kiểm tra thực địa khu vực xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Ảnh: K.GIỚI |
Không gây ảnh hưởng?
Tại cuộc họp, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai, khẳng định: “Về pháp lý DA, chúng tôi tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn của các bộ, ngành. DA này chúng tôi làm rất chuẩn. Về vấn đề ảnh hưởng đến văn hóa thì trong DA không có một hộ dân cư nào, tôi khẳng định điều đó. Liên quan đến vấn đề môi trường, chúng tôi cũng nói rất rõ, nếu có thủy điện Đồng Nai 6, 6A sẽ không tăng thêm lũ lụt. Chúng tôi cam kết là sẽ giảm thiểu tác động về môi trường, về dòng chảy và cam kết sẽ trồng rừng trở lại, thậm chí còn trồng nhiều hơn số yêu cầu vì Nhà nước đang giao đất cho chúng tôi trồng 20 ngàn hécta cao su”.
Ông Pháp cũng cho rằng, do hai thủy điện thuộc diện nhỏ nên không làm ảnh hưởng đến dòng chảy và lợi ích của nó mang lại là đủ nguồn điện cung cấp cho cả 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước. Về ảnh hưởng đến hạ du, ông cũng cho rằng “không có gì”, do thủy điện ở mãi vùng Bắc Cát Tiên, cách hồ Trị An tới 120km và cách TP.Biên Hòa là 180km đường sông.
Lý thuyết khác thực tế
Khảo sát nơi dự kiến triển khai dự án (ĐN)- Tiếp tục chương trình làm việc ở Đồng Nai, ngày 24-4 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đã khảo sát tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Đoàn đã đi khảo sát các vùng đệm của vườn, khu Cát Lộc, VQG Cát Tiên, khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai - nơi dự kiến xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và các điểm du lịch… Làm việc với đoàn, lãnh đạo huyện Tân Phú và VQG Cát Tiên kiến nghị dừng triển khai công trình thủy điện ở đây. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội cho biết, hiện ủy ban vẫn chưa nhận được báo cáo khả thi đối với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ông cho rằng, VQG Cát Tiên là một khu rừng rất đẹp, mỗi tấc đất, mỗi cành cây ở đây đều rất quý nên cần phải được giữ gìn và bảo vệ. Minh Long |
Ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho rằng giữa lý thuyết và thực tế không giống nhau. Ông dẫn chứng: “Về lý thuyết là hồ sẽ tích nước để cung cấp cho mùa khô, nhưng trong thực tế thì lại khác, vì mùa khô ai cũng tích nước, đến mùa lũ ai cũng xả nước, tình trạng này đang xảy ra ở địa phương. Sau khi thủy điện Đồng Nai 3 và 4 ra đời thì hiện tại nhiều khu vực ở huyện Tân Phú không thể bơm nước trực tiếp từ sông lên để tưới, có những nơi phải bơm chuyền tới 3 lần mới được nước”.
Ông Chánh cũng cho biết, có 13 tham luận của các nhà khoa học chỉ ra 8 tác động của dự án này, trong đó có tới 6 tác động tiêu cực nếu hai thủy điện được xây dựng. Cụ thể là: sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Vườn quốc gia Cát Tiên; ảnh hưởng đến việc xem xét hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới; chế độ thủy văn và chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng; có thể gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô; tác động đến sinh kế của người dân (đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp) và tác động đến văn hóa bản địa của người dân ở vùng hạ du.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, diện tích rừng bị phá để làm thủy điện lên đến 20 ngàn hécta nhưng số rừng trồng lại chỉ được 3%. Giữa lý thuyết và thực tế khác nhau quá nhiều như vậy, ông Trần Văn Tư, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh đã e ngại: “Không may bị vỡ đập thì gần 20 triệu dân sinh sống ở vùng hạ du (Đồng Nai, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh - PV) sẽ ra sao?”. Điều ông Tư lo lắng là hoàn toàn có lý, bởi tại hội thảo chuyên đề về DA thủy điện Đồng Nai 6, 6A của Tổ chức Sông ngòi Việt Nam vào cuối năm 2012, các nhà khoa học cũng cho rằng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ DA chưa nêu được vấn đề động đất kích thích gây ảnh hưởng đến hai thủy điện này và nhãn tiền là thủy điện Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh cũng nói rõ quan điểm của tỉnh, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không thể đánh đổi. “Đồng Nai đã đóng cửa rừng từ lâu để bảo vệ rừng, lưu giữ hệ sinh thái. Vì vậy, phải cân nhắc rất cụ thể các dự án phát triển kinh tế liên quan đến rừng” - bà Thanh nói. Quan điểm này cũng được ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UBKHCNMT QH đồng tình.
Khắc Giới
Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: “Tôi đề nghị không chỉ là thủy điện Đồng Nai 6, 6A, mà tất cả các dự án thủy điện phải xem xét lại cơ sở pháp lý. Khi rà soát, dự án nào không đủ điều kiện là cho dừng ngay để không làm mất thời gian và tốn tiền của doanh nghiệp. Công suất của hai thủy điện này không đáng kể, vì vậy không nên đánh đổi một diện tích rừng lớn như vậy”. TS. Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch: “Cả nước chỉ có 8 khu dự trữ sinh quyển, trong đó có Đồng Nai. Liên quan đến khu dự trữ sinh quyển là vấn đề lớn của thế giới, không còn riêng của Việt Nam. Với sông Đồng Nai, các nhà văn hóa còn gọi sông này là “dòng sông văn hóa”, bởi đây là dòng sông duy nhất của Việt Nam là sông nội sinh, trải dài từ thượng nguồn đến vùng hạ du và mang dấu ấn văn hóa của nhiều dân tộc sống dọc theo sông”. Ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường): “Đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A của chủ đầu tư chưa đầy đủ, như: Cam kết trồng lại rừng thì trồng cây gì chưa được làm rõ; các tuyến truyền tải điện ảnh hưởng đến rừng; phương pháp điều tra về đa dạng sinh học; chưa đưa ra được các số liệu cụ thể về việc có ảnh hưởng hay không đến khu ngập nước Bàu Sấu; chưa đánh giá được tác động môi trường của hệ sinh thái thủy sinh ở đoạn sông từ dự án đến hồ Trị An và ngược lên thủy điện Đồng Nai 5; lượng nước điều tiết tối thiểu của công trình có đáp ứng được cho nước sinh hoạt, tưới tiêu ở hạ du hay không; vấn đề tham gia cắt lũ…”. |