Chiều 2-4, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã về Đồng Nai làm việc về tình hình phát triển kinh tế, thương mại. Dịp này, Đồng Nai đã đưa ra nhiều kiến nghị về mặt chính sách trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nhất là để kịp thời đón được làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. |
Chiều 2-4, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã về Đồng Nai làm việc về tình hình phát triển kinh tế, thương mại. Dịp này, Đồng Nai đã đưa ra nhiều kiến nghị về mặt chính sách trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nhất là để kịp thời đón được làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn hiện nay. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng để làm rõ thêm về vấn đề trên.
* Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết về tình hình thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực phát triển CNHT của các nước hiện nay?
- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thu hút đầu tư để phát triển CNHT hiện đang là một trong những mối quan tâm rất lớn của Việt Nam. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thay thế hàng nhập từ bên ngoài, giảm nhập siêu. Tuy vậy, thời gian qua chúng ta làm được chưa nhiều. Về khung pháp lý, chỉ có Quyết định 12/QĐ-TTg, ngày 24-2-2011 về chính sách phát triển một số ngành CNHT. Tuy nhiên, vì là quyết định nên chưa đủ mạnh để thúc đẩy CNHT phát triển dẫn đến sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này chưa nhiều.
Tới đây, trong xây dựng pháp lý, cơ chế, chúng ta cần chủ động hơn trong kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Nếu làm tốt việc này, sẽ góp phần phát triển một ngành công nghiệp mới, qua đó thúc đẩy các ngành công nghiệp khác nhằm đạt mục tiêu sản xuất được hàng trong nước, bớt nhập khẩu. Từ đó, chủ động được trong vấn đề thị trường, công nghệ, khoa học, kỹ thuật.
Theo khảo sát của Trung tâm Phát triển doanh nghiệp CNHT (Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp, Bộ Công thương), năm 2011 cả nước có gần 500 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng, đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, phần lớn các DN ngành CNHT của Việt Nam hạn chế về thiết bị máy móc, không đủ khả năng cần thiết để gia công các chi tiết có độ chính xác cao theo đòi hỏi, yêu cầu của các DN Nhật Bản. Từ năm 2003, Việt Nam và Nhật Bản đã triển khai thực hiện “sáng kiến chung” để cải thiện tổng thể môi trường đầu tư nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam. Hiện hai bên đã thành lập 5 tổ công tác chung Việt - Nhật theo mục tiêu này và đã bắt đầu đi vào thực hiện. |
* Theo Bộ trưởng, việc kêu gọi FDI trong lĩnh vực này tại các địa phương hiện nay ra sao?
- Thực tế, nhiều địa phương trong đó có Đồng Nai rất năng động trong việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào CNHT. Tôi cho rằng, trên địa bàn Đồng Nai không ít doanh nghiệp (DN) FDI và cả DN trong nước đã tương đối thành công trong sản xuất các loại hàng hóa có tính chất CNHT, như: xe máy, linh kiện điện tử, hóa chất… Tuy nhiên, mức độ phát triển vẫn còn hạn chế. Đồng Nai đã đưa ra nhiều kiến nghị hữu ích trong việc cần ban hành nghị định về CNHT để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển vì Quyết định số 12 không còn phù hợp. Hiện Bộ Công thương đang được giao chủ trì cùng với các bộ, ngành khác nghiên cứu xây dựng văn bản có cấp độ pháp lý cao hơn, ít nhất phải ở tầm Nghị định và có thể là luật về CNHT. Qua đó, hy vọng tạo được sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
* Chính sách mới thu hút đầu tư cho CNHT sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa Bộ trưởng?
- Chính sách thu hút phát triển CNHT sẽ có nhiều nội dung. Nhưng trước hết là phải tạo điều kiện về mặt bằng thuận lợi cho DN vì không có mặt bằng thì không thể nói đến việc sản xuất. Chính sách về thuế phải đủ tốt để các nhà đầu tư quan tâm. Có thể phải tính đến cả việc Nhà nước hỗ trợ trong công tác đào tạo tay nghề người lao động; trong chuyển giao công nghệ cũng như tiếp thu các công nghệ mới; hỗ trợ cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Cơ chế và thủ tục hành chính phải thật nhanh, thật gọn và đơn giản, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản tìm đối tác đầu tư tại Đồng Nai vào tháng 3-2013. Ảnh: B.NGUYÊN |
* Bộ trưởng đánh giá thế nào về tiềm năng thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào ngành CNHT?
- Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền CNHT rất phát triển, nhất là trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô, điện tử… Đây là một trong số những quốc gia chúng ta hướng tới kêu gọi đầu tư, hợp tác, nhất là về mặt chuyển giao kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Tiềm năng thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào CNHT là rất lớn.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Công thương tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về CNHT. Vì Quyết định 12/QĐ-TTg, ngày 24-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển một số ngành CNHT, cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển. Cụ thể, các hỗ trợ ưu đãi cho DN trong lĩnh vực CNHT gần như không có gì mới so với ưu đãi cho DN nhỏ và vừa. Ngoại trừ Điều 14 quy định: “Chủ đầu tư xây dựng dự án theo các quy định hiện hành, trong đó đề xuất cụ thể các ưu đãi đặc biệt, gửi Hội đồng thẩm định dự án CNHT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”. Nhưng điều này cũng lại gây không ít khó khăn cho địa phương trong việc triển khai các dự án đầu tư vào CNHT nói chung và trong thu hút các dự án FDI nói riêng. Vì để một dự án CNHT quy mô nhỏ hay lớn được hưởng ưu đãi đều phải mất nhiều thời gian, công sức chờ thẩm định, xét duyệt từ Trung ương. |
Bình Nguyên (thực hiện)