Cùng với sự giảm dần của thuế nhập khẩu và tiến tới gỡ bỏ rào cản thuế quan theo lộ trình gia nhập AFTA (Khu vực thương mại tự do ASEAN), sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần bộc lộ những mặt yếu kém của mình.
Cùng với sự giảm dần của thuế nhập khẩu và tiến tới gỡ bỏ rào cản thuế quan theo lộ trình gia nhập AFTA (Khu vực thương mại tự do ASEAN), sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần bộc lộ những mặt yếu kém của mình.
Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc siêu thị Co.opMart Biên Hòa nhận xét, hiện hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore… ngày càng đa dạng, từ hàng hóa mỹ phẩm, thời trang đến các sản phẩm điện máy, điện tử.
* Cạnh tranh ở thế yếu
Về giá cả, không chỉ tập trung vào thị phần trung và cao cấp mà dòng hàng nhập khẩu từ các nước trên đáp ứng khá tốt nhu cầu mua sắm cả ở những phân khúc thị trường bình dân.
Ngành sản xuất đường của Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn từ hàng nhập khẩu. Trong ảnh: Khách mua hàng tại siêu thị Co.opMart Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Ông Đặng Quốc Phòng, Trưởng phòng tiếp thị khu vực miền Đông của Công ty TNHH dầu thực vật Cái Lân (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Doanh nghiệp (DN) sản xuất dầu ăn hiện đang ở thế yếu trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Áp lực dầu ăn ngoại chiếm lĩnh thị trường đã tăng mạnh trong năm 2012 khi thuế suất nhập khẩu của mặt này là 0% theo như cam kết hội nhập của Việt Nam với ASEAN. DN nội càng khó khăn hơn trong cạnh tranh khi 100% nguồn nguyên liệu sản xuất dầu trong nước đều phải nhập khẩu”.
Ông Nguyễn Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Cường Phát (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) phân tích: “Hiện giấy nhập đang chiếm lĩnh thị trường nội địa với xu thế ngày càng tăng. Tồn kho lớn, khó khăn về thị trường khiến nhiều DN sản xuất giấy điêu đứng. Ngành sản xuất giấy trong nước không theo kịp các quốc gia trên thế giới vì đòi hỏi công nghệ cao và sự đầu tư bài bản từ khâu trồng rừng, chế biến nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm. Trong khi, DN của ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% nguồn cung nguyên liệu.”
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cũng đưa ra lo ngại về sự chênh lệch về ưu thế cạnh tranh giữa ngành đường trong nước và thế giới: “Thử đặt lên bàn cân với các nước khác, chính sách hỗ trợ cho ngành đường tại Việt Nam còn rất hạn chế với hiệu quả chưa cao. Năm 2013 tiếp tục sẽ là năm có rất nhiều áp lực khó khăn cho ngành này. Nhưng vấn đề nóng nhất hiện nay không phải từ việc giảm thuế hay tăng hạn ngạch nhập khẩu mà là nạn đường nhập lậu đang hoành hành”.
* Xác định rõ lợi thế
Hàng loạt những nguyên nhân khiến DN trong nước gặp khó khăn khi mở cửa thị trường, trong đó chủ yếu vẫn là: lạc hậu về công nghệ sản xuất, thiếu chủ động về nguồn nguyên liệu… Khi đặt vào thế cạnh tranh với các nước láng giềng, dù ngay tại sân nhà nhưng hàng Việt vẫn chưa có thế mạnh cạnh tranh so với các nước lân cận về cả chất lượng và giá.
Ngành sản xuất dầu ăn gặp khó khăn vì hàng nhập. (Ảnh chụp tại siêu thị Big C). |
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Minh chia sẻ thêm, nhìn dưới góc độ người tiêu dùng thì hiện người dân đang được hưởng lợi vì có nhiều lựa chọn với giá tốt hơn khi đi mua sắm. DN Việt nên xác định rõ lợi thế cạnh tranh của mình để tập trung một cách trọng điểm, không nên đầu tư dàn trải.
Theo như cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), năm 2012, thuế nhập khẩu từ các cường quốc sản xuất giấy, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đã giảm xuống chỉ còn 20%. Chưa kể, thuế suất nhập khẩu giấy thành phẩm trong khu vực ASEAN hiện chỉ còn 3% càng khiến DN Việt ở thế yếu trong cạnh tranh. Chưa cần so sánh sự chênh lệch về chất lượng, chỉ riêng về giá bán, giấy nội đang rất khó cạnh tranh với hàng ngoại. |
Đồng quan điểm trên, ông Đặng Quốc Phòng cho rằng: “Không chỉ quan tâm đến cắt giảm chi phí, tăng tối đa hiệu quả sản xuất, DN trong nước còn có thể khai thác ưu thế về uy tín thương hiệu đã gắn bó lâu năm với người tiêu dùng cũng như về hệ thống mạng lưới phân phối từ thành thị đến nông thôn. Vì hiện nay, hàng nhập chủ yếu chỉ tập trung ở các trung tâm đô thị lớn chứ chưa phủ sóng rộng khắp thị trường”.
Bình Nguyên