Báo Đồng Nai điện tử
En

Sửa luật, dân được lợi?

10:03, 06/03/2013

Do nhu cầu phát triển của xã hội đến nay, Luật Đất đai có nhiều điểm không còn phù hợp. Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Vấn đề được nhiều người dân quan tâm nhất là hạn điền, thu hồi đất và bồi thường.

Do nhu cầu phát triển của xã hội đến nay, Luật Đất đai có nhiều điểm không còn phù hợp. Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Vấn đề được nhiều người dân quan tâm nhất là hạn điền, thu hồi đất và bồi thường.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi gồm 14 chương và 206 điều, song các chương 6, 7, 8 được chú ý nhiều do liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân. Hiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến đến hết tháng 3-2013 để hoàn thiện và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

* Nới rộng hạn điền

Luật Đất đai 2003 quy định, các hộ gia đình, cá nhân ở khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long có hạn mức giao đất không quá 3 hécta (chỉ được đứng tên sổ đỏ đất không quá 3 hécta) cây hàng năm, 10 hécta cây lâu năm và 30 hécta với đất rừng. Quy định này khiến các hộ, cá nhân muốn mở rộng diện tích trang trại để làm ăn lớn đành phải “lách” luật bằng cách nhờ người khác đứng tên giùm mảnh đất. Việc đứng tên giúp luôn tiềm ẩn những rủi ro có thể xảy ra, như: tranh chấp, khi thiếu vốn khó thế chấp để vay... Do đó, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề ra một số chính sách mới, như: nâng thời hạn giao đất nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình từ 20 năm lên 50 năm; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân… Ông Võ Hữu Thời ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An (huyện Long Thành) nói: “Đất của tôi khoảng 17 hécta, song vướng vào quy định hạn điền nên chỉ đứng tên được một phần, số còn lại vẫn chưa xin cấp được sổ đỏ. Vì vậy, tôi rất mong Luật Đất đai mới sẽ bỏ hạn điền hoặc nâng thêm để những người làm ăn lớn có thể đường đường chính chính tích tụ đất đai, phát triển sản xuất lâu dài”. 

Dự án khu dân cư kéo dài 12 năm chưa được thực hiện khiến ông Nguyễn Văn Gần, ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) chỉ làm tạm căn nhà lá để ở.
Dự án khu dân cư kéo dài 12 năm chưa được thực hiện khiến ông Nguyễn Văn Gần, ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) chỉ làm tạm căn nhà lá để ở.

Ông Phạm Hữu Danh, ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) cho biết: “Tôi chuyển nhượng được hơn 30 hécta đất để trồng cao su, nhưng chỉ đứng tên được  gần 1/3 diện tích. Còn lại, tôi phải nhờ một số người khác đứng tên”.

* Tránh kéo dài dự án

Thời gian qua, đa số các vụ khiếu kiện ở Đồng Nai cũng như cả nước đều liên quan đến đất đai. Thực tế, có những dự án kéo dài hơn 10 năm chưa được thực hiện gây nhiều bức xúc. Để hạn chế thiệt thòi cho người dân, Dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất, khắc phục tình trạng tùy tiện thu hồi đất; đồng thời quy định rõ đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư sẽ bị thu hồi. Việc cho phép chậm tiến độ chỉ được 1 lần và chậm không quá 12 tháng. Trường hợp bị Nhà nước thu hồi lại đất sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, giá trị đã đầu tư vào đất, tài sản gắn liền với đất.

Dự án khu dân cư Hóa An, xã Hóa An (TP. Biên Hòa) kéo dài nhiều năm.            Ảnh: H.Giang
Dự án khu dân cư Hóa An, xã Hóa An (TP. Biên Hòa) kéo dài nhiều năm. Ảnh: H.Giang

Ông Nguyễn Văn Gần, ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Hơn 2 hécta đất của tôi bị quy hoạch dự án nhà ở 12 năm nay chưa triển khai, không bị thu hồi để trả lại mọi quyền lợi cho dân. Vì vậy, tôi rất mong Luật Đất đai sửa đổi sớm có hiệu lực để tỉnh rà soát lại nếu chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện được thì xóa quy hoạch để người dân có thể xây dựng nhà cửa, chuyển nhượng hoặc đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập”. Khi được hỏi ý kiến, nhiều người dân trong tỉnh đều đồng tình với thời gian quy định để thực hiện các dự án. Việc quy định rõ ràng, cụ thể sẽ tránh được tình trạng lách luật kéo dài việc triển khai các dự án gây khó khăn cho người dân.

Ngoài ra, vấn đề khiến nhiều người dân quan tâm là giá đất. Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên - môi trường, hiện nay đa số các ý kiến của người dân mong muốn Luật Đất đai sửa đổi quy định giá đất phù hợp với giá thị trường để khi bị thu hồi đất, người dân không bị thiệt thòi, tránh được nhiều khiếu kiện.

Kéo dài thời gian sử dụng đất

Luật Đất đai năm 2003 quy định, thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân với cây hàng năm là 20 năm, cây lâu năm là 50 năm. Quy định này khiến cả các hộ gia đình lẫn cơ quan quản lý nhà nước gặp không ít khó khăn vì sau thời hạn sử dụng một vài năm có thể nhiều hộ sẽ chuyển đổi từ cây trồng hàng năm sang lâu năm, hoặc ngược lại. Nếu theo luật, phải điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất trên sổ đỏ cho phù hợp, song thực tế việc điều chỉnh không dễ.

Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường khẳng định: “Điều chỉnh thời hạn sử dụng đất khi người dân chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh lâu nay gặp không ít khó khăn. Đa số điều chỉnh giảm thời hạn sử dụng đất khi người dân chuyển từ cây trồng lâu năm sang hàng năm, còn điều chỉnh tăng thời hạn sử dụng hầu như chưa làm được”. Theo ông Hưng, điều này gây thiệt thòi cho người dân, do đó dự thảo thống nhất thời hạn sử dụng đất là 50 năm với cây trồng lâu năm lẫn cây trồng hàng năm sẽ thuận lợi cho cả người dân và công tác quản lý. Nới rộng thời gian với cây trồng hàng năm cũng giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất lâu dài.   

      K.Minh

 

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều