Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch vùng xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Ít ảnh hưởng đến người dân

08:03, 14/03/2013

Sở Xây dựng đang hoàn tất việc lấy ý kiến để chỉnh sửa quy hoạch xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vấn đề nhiều người dân quan tâm là quy hoạch có khiến nhiều hộ phải di dời?

Sở Xây dựng đang hoàn tất việc lấy ý kiến để chỉnh sửa quy hoạch xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vấn đề nhiều người dân quan tâm là quy hoạch có khiến nhiều hộ phải di dời?

Quy hoạch vùng xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng khoảng 21 ngàn hécta, thuộc 10 xã ở huyện Long Thành (gồm: Bình Sơn, Bình An, Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Lộc An, Tân Hiệp) và một phần của các xã thuộc huyện Cẩm Mỹ (gồm: Xuân Quế, Thừa Đức, Sông Nhạn).

* Ưu tiên giữ lại các khu dân cư hiện hữu

Theo Sở Xây dựng, dự án tuy thuộc địa phận của 10 xã, nhưng đây là quy hoạch không gian nhằm xây dựng vùng xung quanh sân bay thành khu vực phát triển kinh tế có môi trường, kiến trúc đẹp, nên sẽ ưu tiên giữ lại các khu vực dân cư hiện hữu cùng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cũng theo Sở Xây dựng, quy hoạch vùng giúp kết nối hiệu quả từ khu vực lập quy hoạch đến TP. Hồ Chí Minh và toàn bộ điểm đến khác trong vùng TP. Hồ Chí Minh và xa hơn nữa bằng những phương tiện khác nhau.

Quy hoạch vùng xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ chia thành 4 phân khu chức năng. Vùng I nằm phía Bắc sân bay, rộng trên 5.700 hécta sẽ phát triển khu đô thị mới đa chức năng gắn với các khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp, trung tâm văn hóa - thể dục thể thao, công viên cây xanh và kết nối đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Khu đô thị Tam Phước, đường tránh Biên Hòa. Khu vực này sẽ chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu gắn với cải tạo nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Vùng II nằm  phía Nam sân bay, rộng khoảng 4.400 hécta, phát triển khu đô thị mới gắn với trung tâm dịch vụ trung chuyển quốc tế và công nghiệp, khu logistics, khu công viên cây xanh, các tuyến đường chính nội khu, đường cao tốc Bến Lức - TP. Hồ Chí Minh.

Vùng III được tổ chức không gian tại hai đầu Đông Bắc và Tây Nam sân bay, rộng trên 10 ngàn hécta, phát triển vùng dân cư nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp, như: cao su, điều, bắp, mía.

Vùng VI nằm ở góc Đông Nam sân bay, sẽ quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công viên… với diện tích 827 hécta.

 Phó giám đốc Sở Xây dựng Lý Thành Phương cho hay: “Quy hoạch xung quanh cảng hàng không tuy có nhiều dự án, nhưng đa số lấy vào đất đang trồng cao su nên ít ảnh hưởng đến người dân. Số ít dự án phải giải tỏa trắng dân sẽ được bố trí tái định cư tại khu dân cư Lộc An - Bình Sơn”. 

* Gắn với quy hoạch vùng

 Quy hoạch vùng xung quanh cảng hàng không nằm trong quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh (gồm 8 tỉnh, thành), góp phần gắn kết và phát triển cho cả vùng. “Sở Xây dựng đã hỏi ý kiến Bộ Xây dựng về quy hoạch vùng xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Bộ đồng tình việc lập quy hoạch của tỉnh”- ông Phương nói. Do đó, trong tháng 3-2013, Sở Xây dựng sẽ hoàn tất quy hoạch để trình Ban Thường vụ, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, UBND tỉnh sẽ tiến hành phê duyệt dự án.

Theo Sở Xây dựng, năm 2020 Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành một số hạng mục và bắt đầu đi vào khai thác.  Và đến năm 2025, cảng khai thác hết công suất với số lượng 5 triệu lượt khách/năm. Dự kiến đến năm 2025, dân số khu vực quy hoạch xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tăng lên 150 ngàn người.

Quy hoạch vùng dự kiến sẽ phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2012-2020): Xây dựng khu dân cư Lộc An - Bình Sơn, Khu tái định cư Lộc An, An Lâm, Long An, xây dựng trung tâm đào tạo quốc tế, Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, một phần khu logistics phía Nam sân bay và một số tuyến đường kết nối vào đường cao tốc. Giai đoạn 2 (từ năm 2020-2025): Xây dựng khu đô thị nằm phía Đông trục đại lộ đi Khu đô thị Tam Phước và trung tâm hỗn hợp khu đô thị phía Bắc, xây dựng bệnh viện quốc tế, công viên, khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với hồ Cầu Mới và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Giai đoạn 3 (sau năm 2025, khi sân bay đi vào hoạt động hết công suất với khối lượng 5 triệu khách/năm): Sẽ xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục còn lại, bao gồm cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên vùng đấu nối vào khu vực.

Đề cập đến vấn đề quy hoạch vùng xung quanh cảng hàng không, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh nhấn mạnh: “Việc thực hiện quy hoạch góp phần phát triển kinh tế của Đồng Nai. Đồng thời, khi sân bay đi vào hoạt động tạo ra các dịch vụ đi kèm xứng tầm các nước trong khu vực. Tuy nhiên, quá trình quy hoạch phải đảm bảo đời sống và sự an toàn của người dân trong vùng”.

 Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều