Ngày 7-3, kỳ họp thứ 6 (chuyên đề lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992) của HĐND tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) đã tổ chức lấy ý kiến các đại biểu về việc dừng dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Các đại biểu đã thống nhất thông qua văn bản đề nghị Chính phủ và ủy ban thường vụ Quốc hội dừng triển khai 2 dự án này.
Ngày 7-3, kỳ họp thứ 6 (chuyên đề lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992) của HĐND tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) đã tổ chức lấy ý kiến các đại biểu về việc dừng dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Các đại biểu đã thống nhất thông qua văn bản đề nghị Chính phủ và ủy ban thường vụ Quốc hội dừng triển khai 2 dự án này.
Hiện nay, trên sông Đồng Nai, nếu tính cả dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì có tới 9 nhà máy thủy điện: Đại Ninh, Đa Nhim, Trị An, Đồng Nai 2, 3, 4, 5 và Đồng Nai 6 và 6A. Do có quá nhiều nhà máy nên việc tích nước ở các hồ thủy điện trên sông Đồng Nai mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn.
* Dày đặc thủy điện trên sông
Tại cuộc họp, đại biểu Nguyễn Phú Cường, Bí thư Thành ủy TP.Biên Hòa, bày tỏ rõ quan điểm phản đối xây dựng hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì dự án này đã được các nhà khoa học chứng minh sẽ gây tác động rất lớn đến môi trường, không gian văn hóa và đời sống của nhiều người dân ở hạ du sông Đồng Nai.
Đại biểu Nguyễn Phú Cường phát biểu tại kỳ họp về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. |
Không chỉ đại biểu Nguyễn Phú Cường mà tất cả các đại biểu HĐND khóa VIII cũng đã nhất trí thông qua văn bản đề nghị Chính phủ cho dừng triển khai xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đại biểu Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, 2 dự án này đã không được tỉnh Đồng Nai ủng hộ ngay từ đầu vì thiệt hại lớn hơn nhiều so với lợi ích dự án mang lại. “Một dự án mà đến cả Tỉnh ủy, UBND tỉnh gửi văn bản lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiến nghị dừng, cho thấy nó không bình thường” - ông Dành nói.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Ngô Sỹ Bảng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú nhận xét, nguồn nước sông Đồng Nai hiện nay đang bị các nhà máy thủy điện chia cắt rất nhiều, khó lòng chứa thêm dự án thủy điện nào nữa. “Tác động của các nhà máy thủy điện đến dòng sông Đồng Nai là rất lớn. Trước đây, xã Đắc Lua của huyện Tân Phú luôn có lũ vào mùa mưa, nhưng mấy năm gần đây đã “mất lũ” do các nhà máy tiến hành tích nước và lũ chỉ về khi mưa nhiều, các hồ thủy điện ở thượng nguồn xả nước” - ông Bảng dẫn chứng. Trong khi đó, nguy cơ hết nước sông vào mùa khô lại rất cao, cụ thể, hiện tại người dân xã Đắc Lua phải đắp bao cát ngăn dòng sông mới có nước tưới cho vụ đông - xuân này.
Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư cho biết, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu, HĐND tỉnh sẽ chính thức có văn bản gửi Chính phủ. Được biết, trong các đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến của cử tri kiến nghị không xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
* Phản ứng quyết liệt
Chủ trương xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, trong thời gian qua đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các tổ chức, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, người dân trong và ngoài tỉnh. Thậm chí UNESCO cũng đã đề nghị dừng dự án này.
Sơ đồ vị trí dự kiến xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6, 6A trên sông Đồng Nai. Đồ họa: T.L |
Cuối năm 2012, tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã tổ chức hẳn một hội thảo chuyên đề: “Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”. Các nhà khoa học của VRN đã nghiên cứu khá toàn diện về ảnh hưởng của dự án này từ môi trường sinh thái đến những thu nhập thường ngày của người dân trên sông Đồng Nai. Điều đáng chú ý là các ý kiến phản biện của VRN về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được chủ đầu tư thuê đơn vị đánh giá tác động môi trường (ĐTM) rất hời hợt.
Tiến sĩ Phạm Hữu Khánh, người đã có 27 năm gắn bó với Vườn quốc gia Cát Tiên, bày tỏ niềm vui khi biết tin kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh khóa VIII (ngày 7-3) đã nhất trí thông qua văn bản đề nghị Chính phủ dừng triển khai 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. TS.Khánh nói: “Tôi hoàn toàn nhất trí và hoan nghênh các đại biểu HĐND tỉnh thông qua văn bản đề nghị Chính phủ dừng triển khai 2 dự án thủy điện này. Vì trước đó tôi đã nhiều lần phát biểu tại các hội thảo khoa học và trên Báo Đồng Nai về những tác động vô cùng to lớn đối với hệ sinh thái rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên nếu triển khai xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đặc biệt là tác động xấu đến các loài động vật quý hiếm, hệ sinh thái đất ngập nước, kho dự trữ sinh quyển thế giới và di tích quốc gia đặc biệt. Đạt được những danh hiệu đó là vô cùng khó khăn và giữ vững những danh hiệu này càng khó khăn hơn. Đây là trách nhiệm của cả cộng đồng và xã hội”. X.P |
VRN đã chỉ ra 8 điều bất cập của dự án này, như: chưa được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư (do diện tích lớn nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên); vi phạm Luật Đa dạng sinh học; diện tích rừng bị thiệt hại cao hơn nhiều so với báo cáo ĐTM do chủ đầu tư đưa ra; các giải pháp bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học đề xuất là không tưởng; chưa đưa ra được các thông tin đầy đủ về tác động văn hóa, xã hội của dự án đến từng nhóm người trong khu vực bị ảnh hưởng…
Ngoài ra, cũng theo VRN, các tính toán về tác động của đường dây cao thế và hệ thống truyền tải điện, động đất và động đất kích thích của 2 công trình chưa được báo cáo ĐTM phân tích và nghiên cứu đầu đủ. Cuối cùng là chưa cập nhật các thông tin liên quan đến diễn biến quá trình vùng đất, tài nguyên, con người ở khu vực thực hiện dự án - vốn đang được UNESCO xem xét công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Vân Nam