Ở ngay cạnh sông La Ngà, nhưng một số xã của huyện Định Quán lại thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Dù đã tiết kiệm từng chút nước, nhưng bình quân một tháng mỗi hộ vẫn phải mất vài trăm ngàn đồng tiền nước.
Bà Trần Thị Thúy, ấp Hòa Trung, xã Ngọc Định bên giếng đã cạn khô nước. |
Ở ngay cạnh sông La Ngà, nhưng một số xã của huyện Định Quán lại thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Dù đã tiết kiệm từng chút nước, nhưng bình quân một tháng mỗi hộ vẫn phải mất vài trăm ngàn đồng tiền nước.
Cứ vào mùa khô là 3 xã: La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định (huyện Định Quán) lại xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Vì giếng đào, giếng khoan ở đây phần lớn không có nước, số giếng ít ỏi có nước thì lại nhiễm phèn nặng.
* Nặng tiền mua nước
Mùa khô năm nay, các xã: La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định có gần 5 ngàn hộ thiếu nước sinh hoạt. Nghịch lý nhất là La Ngà, Phú Ngọc dù nằm ven sông nhưng người dân phải mua 25-30 ngàn đồng/m3 nước để dùng. Vì vậy, đa số các hộ đều phải tiết kiệm từng lít nước nhằm giảm bớt tiền nước hàng tháng. Chị Nguyễn Thị Hằng (ấp Phú Quý 2, xã La Ngà) nói: “Từ quán của tôi ra sông La Ngà chỉ khoảng 300m, vậy mà mỗi ngày tôi phải mua 2m3 nước với giá 35 ngàn đồng/m3. Buôn bán khó khăn, nhưng mỗi tháng tiền nước tốn hơn 2 triệu đồng”.
Bà Trần Thị Thúy (ấp Hòa Trung, xã Ngọc Định) cho biết: “Giếng nước gia đình đã cạn nên tôi phải mua nước bồn để sinh hoạt. Giá nước đắt đỏ nên trời nóng đi làm về cũng không dám rửa ráy nhiều. Vậy mà cả gia đình 4 người cũng mất 550-600 ngàn đồng tiền nước/tháng. Thiếu nước vào mùa khô nên đất đai rộng mà rau cũng không trồng được để ăn”. Chị Lê Thị Kim Yến (ấp Hòa Trung) kể: “Tôi dành dụm mãi mới được hơn 10 triệu đồng để khoan giếng. Giếng có nước nhưng lại nhiễm phèn nặng nên không thể dùng để sinh hoạt. Muốn dùng tạm để tắm rửa phải có thêm 12-14 triệu đồng làm bể lọc. Gia đình không dư dả nên phải đợi vài năm nữa mới làm nổi bề lọc”.
Mực nước ngầm sụt giảm mạnh Tại các vùng khác trong tỉnh, như: Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc và Long Khánh, nhiều người dân cho biết, đến thời điểm này, mực nước các giếng đều sụt giảm từ 2-4 m. Trong đó, có những giếng không còn nước, vì thế nhiều diện tích cây trồng lâu năm trong mùa khô phải hạn chế tưới, ảnh hưởng đến phát triển và năng suất. Ông Nguyễn Hoàng Hùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường thuộc Sở Tài nguyên - môi trường khẳng định, mấy năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong mùa khô, mực nước ngầm ở các huyện đa số sụt giảm mạnh và thường năm sau giảm hơn năm trước. |
Ông Nguyễn Quốc Phương, Trưởng ấp Hòa Trung, xã Ngọc Định chia sẻ: “Toàn ấp có trên 200 hộ thiếu nước sinh hoạt. Ở đây các hộ có đào giếng, khoan giếng nhưng chủ yếu dùng trong mùa mưa, mùa khô chỉ số ít giếng có nước lại bị phèn vàng, phèn trắng rất nặng. Do đó bà con rất mong dự án nhà máy nước sớm được xây dựng để người dân ở đây bớt khổ, song chẳng biết đến bao giờ”.
* Chờ đến bao giờ?
Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc cho hay: “Dù ở ven sông nhưng giếng khoan, giếng đào ở Phú Ngọc hầu hết không có nước. Toàn xã có 4.500 hộ thì khoảng 3 ngàn hộ thiếu nước, tình trạng này người dân phải chịu đựng nhiều năm qua. Đặc biệt năm nay, nắng hạn nhiều, tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng hơn”.
Sông La Ngà có nguồn nước khá dồi dào, nhưng người dân sống gần lại thiếu nước vì nguồn nước ở đây ô nhiễm, không thể dùng cho sinh hoạt. Ảnh: H.GIANG |
Tại xã La Ngà hiện cũng có 1.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Theo Phó chủ tịch UBND xã Cao Văn Toàn, vào mùa khô các hộ thiếu nước đều phải mua nước xe bồn chở đến với giá 35-40 ngàn đồng/m3. Khó khăn chồng chất lên các hộ nghèo vì phải bỏ ra mỗi tháng 400-500 ngàn đồng mua nước.
Mỗi khi tiếp xúc cử tri, vấn đề người dân ở đây bức xúc nhất là nước sạch. Câu hỏi được đặt ra nhiều năm vẫn chưa có câu trả lời là bao giờ có nước sạch để dùng?
Ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: “Dự án xây dựng nhà máy lấy nước từ sông La Ngà, sau đó xử lý rồi cung cấp cho khu vực La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định đã có từ lâu, song do tình hình kinh tế khó khăn, đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư. Do đó phải tiếp tục đợi”. Cách đây 3-4 năm, nếu có doanh nghiệp nhận đầu tư dự án, nguồn vốn xây dựng dự kiến chỉ khoảng 30 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại, muốn thực hiện phải mất gần 100 tỷ đồng”. Như vậy, dự án xây dựng nhà máy nước cho vùng này sẽ còn phải đợi và chưa biết sẽ phải đợi đến bao giờ?
Hương Giang