Thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngay những ngày đầu năm 2013 cho thấy, rất có thể khu vực phía Nam sẽ thiếu điện. Đây là thách thức khá lớn đối với những tỉnh, thành có lượng tiêu thụ điện năng lớn, chủ yếu phục vụ sản xuất.
Thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngay những ngày đầu năm 2013 cho thấy, rất có thể khu vực phía Nam sẽ thiếu điện. Đây là thách thức khá lớn đối với những tỉnh, thành có lượng tiêu thụ điện năng lớn, chủ yếu phục vụ sản xuất.
Cũng theo EVN, tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng gần 5,3 tỷ m3; trong đó ở miền Bắc hụt khoảng 1,9 tỷ m3 và miền Trung hụt khoảng hơn 2,62 tỷ m3.
* Nguồn cung thiếu
Theo công ty TNHH một thành viên điện lực (ĐL) Đồng Nai, mùa khô năm 2012 sở dĩ không xảy ra tình trạng thiếu điện do có một số nguồn cung mới là nhiệt điện bổ sung thêm cho lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn nên tình hình sản xuất của các doanh nghiệp (DN) giảm, vì thế nhu cầu về điện không tăng mạnh. Sản lượng điện của ĐL Đồng Nai cung cấp cho năm 2012 đạt hơn 7 tỷ 790 triệu kWh, vượt 11 triệu kWh so với kế hoạch và tăng hơn 9% so với năm 2011.
Các doanh nghiệp đều lo thiếu điện, bởi khi phải chuyển sang chạy máy phát điện bằng dầu diesel, giá thành sản phẩm sẽ đội lên rất cao. Trong ảnh: Công nhân Công ty Happy Cook đang sản xuất nồi cơm điện. Ảnh: V.Nam |
Theo kế hoạch cung cấp điện cho năm 2013, ĐL Đồng Nai dự kiến khoảng 8,5 tỷ kWh, tăng 9,17% so với sản lượng điện thực hiện của năm 2012. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc ĐL Đồng Nai lo ngại, nhu cầu về điện của năm 2013 vẫn tăng trong khi nguồn bổ sung mới cho lưới điện quốc gia không có sẽ dẫn đến thiếu điện. Một khó khăn nữa là lưới điện truyền tải hiện cũng đã hết công suất. “Tất cả nguồn cung điện của các nhà máy đều phát lên hệ thống lưới điện quốc gia, sau đó Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia mới điều tiết nguồn điện cho từng khu vực. Vào mùa cao điểm, nguồn điện được chuyển từ Bắc vào Nam chỉ qua đường dây 500kV, trong khi năng lực truyền tải của đường dây này có hạn” - ông Thành nói.
Nguồn điện hiện nay phần lớn vẫn dựa vào các nhà máy thủy điện, mùa cao điểm thiếu điện năm nay được xác định vào tháng 4 đến tháng 6. Đây là giai đoạn bị ảnh hưởng rất lớn do nguồn cung xuống thấp trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
* Huy động điện từ doanh nghiệp
Ông Thành cũng cho biết, ĐL Đồng Nai đang xây dựng phương án đối phó với tình trạng thiếu điện sắp tới. Phương án này sẽ tính đến việc huy động điện của các DN sản xuất vào những giờ cao điểm. Bên cạnh đó là vận động người dân tránh sử dụng quá nhiều thiết bị vào những giờ này.
Ông Thành nói: “Điện thường chỉ thiếu trong khoảng thời gian ngắn do lượng sử dụng tăng đột ngột ở những giờ cao điểm, vì vậy vào những giờ đó, chúng tôi sẽ thông báo cho các DN lớn sử dụng máy phát điện của mình, như vậy DN sẽ chủ động không bị gián đoạn sản xuất và giảm thiểu việc phải cắt điện ở các khu dân cư để dồn cho sản xuất”. Hiện nay, gần như DN nào cũng có máy phát điện dự phòng, nhưng lịch cúp điện phải được báo trước để khách hàng chủ động sử dụng, đòi hỏi ngành điện phải theo dõi rất chặt chẽ tình hình. ĐL Đồng Nai cũng sẽ kiến nghị UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện như những năm trước đã làm.
Năm 2012, Điện lực Đồng Nai đã thực hiện chương trình tiết kiệm điện, hỗ trợ lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời, đạt gần 1,3 ngàn máy, vượt gần gấp đôi kế hoạch đề ra. Sản lượng điện tiết kiệm trong năm đạt 112 triệu kWh, đạt 102,4% so với chỉ tiêu. |
Ở Đồng Nai, lượng điện dùng cho sinh hoạt chỉ chiếm từ 10-12% so với điện sản xuất. Mấy năm gần đây, điện không chỉ phục vụ cho sản xuất công nghiệp mà còn cho cả sản xuất nông nghiệp, như: tưới tiêu, xay xát… Cũng theo ông Thành, nhiều vùng dân cư nông thôn sử dụng điện sinh hoạt cho cả sản xuất, khiến các biến áp bị quá tải, xảy ra tình trạng cúp điện cục bộ.
Vân Nam