Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế 2013: Cơ hội nào cho doanh nghiệp?

10:03, 01/03/2013

Những tham luận và cả tranh luận của nhóm các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013: Cơ hội và thách thức” - sự kiện do Thời báo Kinh tế Việt Nam và VnEconomy tổ chức - diễn ra ngày 1-3 tại TP.Hồ Chí Minh cho thấy, 2013 vẫn là một năm đầy thách thức, song ẩn chứa trong đó, là những cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp (DN).

Những tham luận và cả tranh luận của nhóm các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2013: Cơ hội và thách thức” - sự kiện do Thời báo Kinh tế Việt Nam và VnEconomy tổ chức - diễn ra ngày 1-3 tại TP.Hồ Chí Minh cho thấy, 2013 vẫn là một năm đầy thách thức, song ẩn chứa trong đó, là những cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp (DN).

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam chỉ ra ngay ba điểm nghẽn lớn nhất cản trở tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là: nợ xấu ở mức khá cao, cản trở tốc độ tăng trưởng tín dụng; tồn kho lớn và bất động sản.

* Ba điểm nghẽn lớn nhất

GS. Cát còn so sánh, cuộc khủng hoảng kinh tế mấy năm qua tương tự với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929 - 1933 của thế kỷ trước, cũng bắt đầu bằng việc các ngân hàng Mỹ cho vay nợ dưới chuẩn một cách quá mức đối với bất động sản (BĐS), mất kiểm soát chất lượng tín dụng dẫn đến khủng hoảng dây chuyền.

Sản xuất - xuất khẩu tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ trong năm 2013 thông qua Nghị quyết 02. Trong ảnh: Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty TNHH TNT (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom).
Sản xuất - xuất khẩu tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ trong năm 2013 thông qua Nghị quyết 02. Trong ảnh: Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty TNHH TNT (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom).

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đã có chủ trương và giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn, như: hạ lãi suất, có cơ chế bảo lãnh tín dụng với DN nhỏ và vừa, mở rộng tín dụng cho sản xuất, tiêu dùng; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, nộp thuế thu nhập DN; một số giải pháp làm ấm thị trường BĐS, làm sao để khơi thông thị trường, cứu thị trường nhưng không làm tăng lạm phát hoặc tạo cơ hội đầu cơ tái bùng phát…

Những từ “cứu” hay “hỗ trợ”, “giải pháp” từ phía Nhà nước rất ý nghĩa đối với DN, tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất quyết định vận mệnh của mỗi DN là tự cứu mình, chủ động tái cấu trúc, khai phá thị trường và có những giải pháp phù hợp vượt bão.

Theo GS. Cát, DN không có nhiều thông tin lạc quan, nhưng cũng không nên nhìn bối cảnh quá bi quan mà cần nhìn một cách khách quan, trung thực để có thể làm chủ được hoàn cảnh. “Tôi chắc rằng, các DN, từ các DN tư nhân, ngân hàng thương mại, kinh doanh tài chính, BĐS, hay thực phẩm, hoặc vật liệu xây dựng… đều đang phải tự bươn chải, đối diện với thực tế và mong mỏi tìm giải pháp phù hợp cho chính mình. Chúng tôi tin rằng, việc nắm bắt và cập nhật thông tin, cùng nhau chia sẻ thông tin vĩ mô và kinh nghiệm là việc quan trọng, giúp DN hoạch định tốt kế hoạch cho riêng mình” - GS. Cát nói.

* Tái cơ cấu thị trường mạnh mẽ

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định rằng, trong năm 2013, những khó khăn nghiệt ngã của nền kinh tế kéo dài mấy năm nay sẽ dẫn đến một cuộc tái cơ cấu thị trường mạnh mẽ. “Phải khẳng định rất rõ rằng, cơ hội sẽ thuộc về các DN còn sức khỏe. Chính phủ hỗ trợ thị trường bằng cách tái cơ cấu chứ không bao cấp thị trường. Do đó, với các DN nhiều năm qua chỉ phát triển dựa trên nợ ngân hàng thì cơ hội tồn tại sẽ rất nhỏ” - ông Lịch nói.

Cũng theo TS. Trần Du Lịch, trong 5 năm qua, với tư cách đại biểu Quốc hội, năm nào ông cũng phải bàn chuyện ứng phó, nền kinh tế lúc nào cũng trong trạng thái phải tìm đối sách ứng phó liên tục và “DN Việt Nam đã chịu đựng, thích nghi và “chòi đạp” rất giỏi” - TS. Lịch ví von. Tuy nhiên, trong họa có phúc, chính những khó khăn kéo dài dẫn đến thị trường diễn ra quá trình tự điều chỉnh; thị phần sẽ được phân chia lại, trong đó có thị trường lao động. Đây là cơ hội để DN phát triển nguồn nhân lực, thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là cơ hội cho những DN có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Kinh nghiệm cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái họa đều có cái phúc cho những người biết nắm thời cơ.

Ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 01 và 02 được xem như những nỗ lực cần thiết và đúng đắn để lấy lại niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ vừa phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020; phân kỳ cho giai đoạn 2013-2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực: Đầu tư công; hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn tổng công ty nhà nước.

“Các bài thuốc đã nằm trong Nghị quyết 02 đầy đủ, vấn đề còn lại là phải uống, và uống như thế nào, nhanh chậm ra sao thì cần suy nghĩ. Theo tôi, nếu làm nhanh, hiệu quả sẽ thấy rõ ngay trong nửa cuối năm 2013” - TS. Trần Du Lịch khẳng định.

* Mạnh tay bán lỗ bất động sản

“Bán lỗ để cắt lỗ” là một trong những giải pháp mà ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh khuyên các DN BĐS làm để xử lý hàng tồn kho BĐS kéo dài từ mấy năm nay.

“Trước hết, các DN sẽ phải rà soát, tái cấu trúc bộ máy, cơ cấu lại đầu tư, kiên quyết đình hoãn hoặc dãn tiến độ thực hiện các dự án, cơ cấu lại sản phẩm, xin phép điều chỉnh công năng dự án, quy mô căn hộ phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng tài chính của khách hàng” - ông Châu nói.

Trong thời điểm khó khăn này, DN phải chấp nhận giảm giá bán, thậm chí “bán lỗ để cắt lỗ” để giải quyết bài toán hàng tồn kho và nợ xấu để bảo đảm uy tín thương hiệu nhằm tăng cường khả năng tồn tại. Đây cũng là lúc DN định hình lại các dòng sản phẩm hướng đến nhu cầu thật của đông đảo người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Người tiêu dùng hiện nay đang đứng ở vị trí trung tâm của thị trường BĐS, với lợi thế lớn hơn lúc nào hết, với quyền lựa chọn sản phẩm rất rộng, với mức giá cả chưa bao giờ hợp lý như hiện nay và phương thức thanh toán linh hoạt thông qua chính sách hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi trong dài hạn đến 20 năm. Đồng thời, trên thị trường cũng xuất hiện thêm nhiều loại căn hộ cho thuê và loại hình sở hữu căn hộ có thời hạn giúp gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Đối với phân khúc căn hộ cao cấp, cũng sẽ có sự chuyển động lớn theo hướng tăng cường thêm tiện ích với giá cả phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

* Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước: Sẽ kiểm soát tốt tỷ giá

Ông đưa ra 5 giải pháp điều hành thị trường tiền tệ năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm, như: điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt điều hành lãi suất  phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến của lạm phát; điều hành tín dụng, theo đó sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12%; điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, các cân đối vĩ mô, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế… Song điều mà ông Mạnh cam kết tại hội thảo đã khiến nhiều doanh nghiệp hoan nghênh. Theo đó, ông Mạnh khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định tỷ giá trong năm 2013 như đã giữ ổn định suốt gần 2 năm qua. “Doanh nghiệp có thể tính toán kế hoạch kinh doanh dựa trên sự ổn định của tỷ giá vì chúng tôi cam kết giữ ổn định tỷ giá hết mức có thể, nếu có dao động, cũng chỉ dao động trong biên độ cho phép khoảng 2 – 3%” - ông Mạnh nói.

* Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ: Không chọn “được làm vua, thua làm giặc”

“Từ kinh nghiệm của cá nhân tôi và những bài học rút ra trong quá trình xây dựng thương hiệu tôn Hoa Sen, tôi cho rằng trong hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng cần hoạt động có trách nhiệm và trung thực. Báo cáo tài chính của Hoa Sen luôn là một bản báo cáo trung thực tuyệt đối. Chúng tôi chọn cách tập trung cho ngành nghề chính của mình, dù lúc khó khăn hay khi thuận lợi, không chọn cách đầu cơ kiếm lợi nhuận theo kiểu “được làm vua, thua làm giặc”. Theo ông Vũ, hiện nay Tập đoàn Hoa Sen chiếm 40% thị phần tôn thép nội địa, là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Đông Nam Á. Đến cuối năm 2015, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành và các thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cắt giảm toàn bộ các loại thuế xuất nhập khẩu bằng 0 thì sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hoa Sen nói riêng mở rộng thị trường xuất khẩu.

Kim Ngân (ghi)

 

Vi Lâm

 

 

 

 

Tin xem nhiều