Trong 2 năm 2011-2012, chương trình “Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm - Lifsap” (do Ngân hàng Thế giới tài trợ) đã đầu tư nâng cấp 17 chợ trên địa bàn tỉnh với tổng vốn khoảng 20 tỷ đồng. Các chợ trên được nâng cấp ở khu vực bán thực phẩm tươi sống, hệ thống cấp thoát nước, khu vệ sinh.
Trong 2 năm 2011-2012, chương trình “Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm - Lifsap” (do Ngân hàng Thế giới tài trợ) đã đầu tư nâng cấp 17 chợ trên địa bàn tỉnh với tổng vốn khoảng 20 tỷ đồng. Các chợ trên được nâng cấp ở khu vực bán thực phẩm tươi sống, hệ thống cấp thoát nước, khu vệ sinh.
Khu bán thịt tươi sống của chợ Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) khang trang, sạch đẹp hơn nhiều sau khi được nâng cấp. Ảnh B.Nguyên |
Theo Ban quản lý (BQL) của các chợ tham gia dự án Lifsap, sau khi chợ được nâng cấp, việc buôn bán của tiểu thương thuận lợi với hiệu quả kinh doanh tốt hơn. An toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn nên người tiêu dùng an tâm khi chọn mua thịt ở chợ.
* Nâng cấp “thịt chợ”
Khu bán thực phẩm tươi sống tại các chợ Lifsap được cải tạo theo một mẫu chuẩn. Khu quầy bán thịt bề mặt được lát đá, có khung bằng inox với dàn móc treo thực phẩm, tường và nền đều được ốp lát sạch sẽ, bên dưới mặt quầy có tủ đựng. Chợ có hệ thống chiếu sáng và hệ thống cấp thoát nước hợp vệ sinh. Ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng, dự án Lifsap còn tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn cho BQL chợ và tiểu thương cách vận hành, bảo quản tài sản và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Trương Thị Liên, tiểu thương bán thịt tại chợ Bửu Hòa (TP. Biên Hòa) chia sẻ, bà đã làm nghề bán thịt 30 năm nay. Khi chưa được đầu tư nâng cấp, mỗi ngày bà đều phải đi mua nước sạch từ nhà dân xách vào chợ rồi phải mang nước thải ra ngoài đổ. “Giờ vòi nước sạch được gắn ngay cạnh quầy bán thịt, hệ thống thoát nước thải ngay dưới sàn. Từ quầy bán thịt đến lối đi được ốp đá, lát gạch khang trang, sạch đẹp, rất thuận tiện cho tiểu thương làm vệ sinh trước và sau khi bán hàng” - bà Liên nhận xét.
Đại diện Ban quản lý dự án Lifsap Đồng Nai cho biết, dự án sẽ được triển khai đến năm 2015. Với những chợ được đầu tư nâng cấp trong thời gian tới, dự án sẽ mở rộng nâng cấp các quầy hàng bán cá, rau quả nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh cho thực phẩm chợ. Chương trình tập huấn, tuyên truyền cho Ban quản lý và tiểu thương các chợ về cách vận hành, quản lý và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm. |
Cũng trong khu vực bán thịt tại chợ Bửu Hòa, quầy hàng của bà Phạm Thị Dư khá nhộn nhịp với cảnh sơ chế các loại thịt để bỏ mối cho khách. Bà Dư cho biết, việc buôn bán của tiểu thương giờ tiện nghi hơn nhiều so với trước. Hệ thống điện nước đầy đủ rất thuận tiện cho tiểu thương tẩy rửa quầy bán thịt và các dụng cụ. Thịt bày lên quầy sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh hơn nên khách mua rất an tâm. Nhiều người mua thịt xay sẵn về chế biến cũng không còn e ngại.
* Tăng hiệu quả kinh doanh
Theo ông Lê Quốc Đoàn, Trưởng BQL chợ Phú Lộc (huyện Tân Phú), khi chưa được dự án Lifsap đầu tư, do chợ xây dựng từ lâu, các quầy bán thực phẩm tươi sống đều đã xuống cấp và không đảm bảo vệ sinh. “Khi dự án Lifsap đầu tư nâng cấp chợ, tiểu thương rất ủng hộ. Chúng tôi đã vận động tiểu thương đóng góp thêm trên 100 triệu đồng để xây dựng cả khu vực bán rau, bán cá, đồng thời mở rộng thêm tuyến đường vào chợ. Nhờ khu bán thực phẩm tươi sống sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh nên hiệu quả kinh doanh được cải thiện rõ rệt” - ông Nghĩa nói.
Cùng quan điểm trên, bà Đoàn Thị Loan, Trưởng BQL chợ Bửu Hòa khẳng định, tiểu thương kinh doanh thuận lợi hơn nhiều sau khi được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. Hiện trung bình mỗi ngày, chợ tiêu thụ gần 1 tấn thịt các loại. Bà Loan chia sẻ thêm, BQL chợ cũng vất vả hơn nhiều khi vận hành chợ theo quy trình Lifsap. “Phải làm chặt hơn trong khâu kiểm soát nguồn gốc thịt về chợ; công tác tuyên truyền phải làm hàng ngày, hàng tuần và chịu trách nhiệm trong khâu quản lý, vận hành, luôn đảm bảo hệ thống điện, nước trong chợ hoạt động tốt” - bà Loan cho biết. Tại các chợ đã gắn “mác” Lifsap, tiểu thương đều phải làm cam kết trong việc bảo quản tài sản chung, về việc giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua 1 năm hoạt động, ý thức của tiểu thương ngày càng tốt. Người tiêu dùng cũng yên tâm hơn khi mua thực phẩm ở chợ.
Chợ Dầu Giây (huyện Thống Nhất) là điểm được đầu tư lớn nhất trong những chợ Lifsap đã thực hiện tại Đồng Nai với tổng vốn 1,7 tỷ đồng. Theo ông Trưng Trung, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh tổng hợp Dầu Giây - đơn vị quản lý chợ Dầu Giây, ngoài bán lẻ, đây còn là nơi tập kết thịt để đưa về Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi đêm, lượng thịt về chợ từ 10-12 tấn. Sau khi được nâng cấp, chợ đã thành một trong những chợ điểm của huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương kinh doanh hiệu quả. |
Bình Nguyên