Tại nhiều ngân hàng, thời điểm này nhân viên tín dụng có vẻ vẫn… thảnh thơi, bởi nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa rục rịch tính đến chuyện vay tiền, dù các ngân hàng (NH) khẳng định, vốn dồi dào và lãi suất không còn quá cao.
Tại nhiều ngân hàng, thời điểm này nhân viên tín dụng có vẻ vẫn… thảnh thơi, bởi nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa rục rịch tính đến chuyện vay tiền, dù các ngân hàng (NH) khẳng định, vốn dồi dào và lãi suất không còn quá cao.
So với thời điểm giữa năm 2012, mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại đã giảm khá nhiều, phổ biến ở mức 12% đối với nhóm NH lớn và 14% với nhóm NH nhỏ. Tuy vậy, một số NH cho biết DN vẫn chưa mặn mà vay vốn.
* Cho vay không được
Ông Hoàng Mạnh Long, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Biên Hòa nhận định, tình hình vay vốn 2 tháng đầu năm 2013 trầm lắng hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tại chi nhánh, tín dụng 2 tháng qua gần như không tăng. “Nhìn chung, DN vẫn đang trong xu hướng “gói ghém” nợ nần, thay vì mở rộng sản xuất” - ông Long nói. Theo đó, ngay cả một số DN lớn, đầu năm ngoái nhận nợ khá nhiều thì năm nay vẫn chưa “động đậy”, các dự án đầu tư mới có tính mùa vụ cũng rất cầm chừng.
Tại nhiều ngân hàng, nguồn vốn được cho biết là rất dồi dào, song tín dụng tăng trưởng không đáng kể (ảnh minh họa). Ảnh: K.Ngân |
Tương tự, giám đốc một chi nhánh NH cổ phần trên đường Nguyễn Ái Quốc - một trong những NH luôn có mức tăng trưởng tín dụng rất tốt trên địa bàn Đồng Nai - cho biết, 2 tháng đầu năm dư nợ “không tăng đồng nào”. Theo ông, vướng mắc vẫn nằm ở chỗ khách hàng muốn vay (đa số là DN vừa và nhỏ) thì không đủ điều kiện, trong khi DN “khỏe mạnh” thì nhu cầu vay rất ít. Mặt khác, nhóm khách hàng DN quen thuộc của NH cũng rất hạn chế nhận nợ mới. “Điều này là khá bất thường. DN vẫn chưa tìm thấy cơ hội làm ăn nên không vay tiền, một số DN thì nợ đến hạn không trả được” - vị giám đốc này lo ngại.
Chi nhánh ACB Đồng Nai thì cho biết, cho vay tại chi nhánh 2 tháng qua tăng khá, song chủ yếu tập trung ở vài khách hàng truyền thống, còn DN vay mới rất hiếm. Tại Chi nhánh Agribank Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng là không đáng kể, chỉ khoảng 0,11% so với đầu năm.
Thực tế, tín dụng tăng thấp không phải là điều quá lạ lùng, bởi 2 tháng đầu năm 2012, cho vay của nhiều NH trên địa bàn cũng không cao. Tuy nhiên, mức tăng quá thấp đầu năm nay và những ý kiến từ phía các DN khiến nhiều NH lo ngại một kịch bản xấu hơn so với năm ngoái, tức là cho vay khó “bật” lên được ở những tháng giữa năm.
* Chưa thấy cơ hội
Giám đốc một DN trong ngành may mặc có trụ sở tại TP. Biên Hòa cho biết, anh không có ý định vay tiền trong thời điểm hiện tại. Lý do là chưa có gì hứa hẹn rằng sức mua sẽ được cải thiện vì trước đó, ngay trong tháng tết, hàng bán cũng rất cầm chừng. “Trong năm 2012, DN đã phải chạy đôn chạy đáo để giải phóng hàng tồn kho vì đầu năm tính toán chưa cẩn trọng, vẫn tăng sản lượng bằng mọi năm. Năm nay, tôi xác định, hàng bán tới đâu sản xuất tới đó nên không có nhu cầu vay thêm vốn, thậm chí có kế hoạch giảm dư nợ” - anh cho biết.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn còn nhiều bối rối trong tiếp cận vốn (Ảnh minh họa). Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ nội thất tại một cơ sở ở huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: K.Ngân |
Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho rằng, vốn tắc xuất phát từ 2 nguyên nhân: DN không tìm thấy cơ hội kinh doanh và niềm tin giữa 2 bên: NH - DN đã “hao tổn” rất nhiều trong mấy năm qua. “Theo tôi, lãi suất hiện tại đã là tương đối hợp lý, bởi có nhiều NH đã cho vay dưới 12%/năm, nguồn vốn cũng thoải mái. Vấn đề là DN không thấy cơ hội nào để kinh doanh, làm sao vay vốn?” - ông Bình nói. Theo đó, ngay bản thân DN của ông (Công ty TNHH Thanh Bình, chuyên về thức ăn chăn nuôi) hiện đã giảm dư nợ về 0 và vẫn chưa có ý định vay thêm vốn, cũng bởi lý do chưa thấy dự án nào phù hợp để đầu tư trung - dài hạn, trong khi kinh doanh ngắn hạn cũng phải rất thận trọng.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NH Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, tín dụng trong tháng 1-2013 (tháng trước Tết Nguyên đán) chỉ tăng 0,16%. Hiện tại, chỉ số tăng tín dụng tháng 2 vẫn chưa tổng hợp được, song đánh giá của NH Nhà nước vẫn là thấp. “DN vẫn chưa thể tìm thấy nhiều cơ hội kinh doanh trong đầu năm 2013. Đó chính là nút thắt khiến dòng vốn chưa thể khai thông” - ông Tuấn nhận xét. Theo đó, lãi suất vẫn cần giảm thêm bởi nhóm DN nhỏ và vừa - nhóm DN năng động nhất - hiện tại vẫn phải chịu mức lãi suất 14-15%, tương đối cao so với mong muốn của nhiều DN. |
Vi Lâm