“Thành lập doanh nghiệp (DN) chưa đầy một năm thì gặp ngay tình trạng kinh tế thế giới khủng hoảng. Đơn hàng xuất khẩu của công ty giảm nghiêm trọng, chỉ bằng một nửa so với trước.
Anh Phạm Thanh Bình. Ảnh: V.Nam |
“Thành lập doanh nghiệp (DN) chưa đầy một năm thì gặp ngay tình trạng kinh tế thế giới khủng hoảng. Đơn hàng xuất khẩu của công ty giảm nghiêm trọng, chỉ bằng một nửa so với trước. Tình thế lúc đó khá nan giải” - anh Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH sản xuất - thương mại ĐiBi ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa tâm sự.
Là người có kinh nghiệm gần 20 năm hoạt động trong ngành đan lát xuất khẩu nên suốt 5 năm qua mặc dù thị trường gặp khá nhiều khó khăn, nhưng anh Bình cùng người bạn của mình (anh Phạm Quang Đỉnh, Giám đốc công ty) vẫn giữ được mức tăng trưởng đều cho sản xuất của DN.
* Vượt khó
Kết thúc năm 2012, doanh thu của ĐiBi đã vượt xa so với kế hoạch, đạt gần 2 triệu USD. Anh Bình cho biết, kế hoạch của công ty đề ra năm 2012 chỉ 1 triệu USD, nhưng 4 tháng cuối năm, DN đã ký được nhiều đơn hàng tốt nên doanh thu vượt so với kế hoạch. Năm 2013, đơn hàng sản xuất của ĐiBi cũng đã ký đến hết tháng 6, đây là điều kiện khá thuận lợi cho DN. Bằng nhiều nỗ lực, mấy năm trở lại đây dù khó khăn, DN vẫn duy trì được nguồn hàng để tạo việc làm cho 100 công nhân làm việc tại nhà máy và khoảng 700 hộ gia đình đan gia công tại nhà. Hiện tại, trung bình mỗi tháng ĐiBi xuất từ 15 - 20 container hàng. So với năm 2008 thì lượng hàng của ĐiBi nay đã tăng lên gấp đôi.
Anh Bình cho biết, mình bắt đầu làm nghề đan lát từ năm 1994, đến năm 2002 thì anh mở cơ sở riêng (Cơ sở mây tre lá Thanh Bình ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) và tới năm 2007 thì anh thành lập DN. Trong suốt khoảng thời gian hoạt động, công suất của Thanh Bình cũng đã đạt đến 20 container mỗi tháng. Anh Bình chia sẻ: “Ngày đó làm ra sản phẩm thì nhiều nhưng lợi nhuận lại thấp do DN không xuất khẩu trực tiếp được mà phải qua trung gian. Vì vậy năm 2007, tôi quyết định thành lập DN để tự xuất hàng”. Theo anh Bình, đây là quyết định kịp thời, bởi giá trị của mỗi đơn hàng xuất trực tiếp luôn cao hơn so với bán lại cho DN khác xuất khẩu. Nhờ vào đó, ĐiBi vẫn ổn định được sản xuất.
* Khai thác thị trường trong nước
Năm 2012, ĐiBi bắt đầu bán hàng cho thị trường trong nước, điều khá bất ngờ là hàng hóa của ĐiBi đã nhanh chóng bắt nhịp được và tỷ lệ tiêu thụ trong nước hiện chiếm tới 20% doanh số. “Tuần nào công ty cũng có 1 hoặc 2 chuyến hàng giao về TP.Hồ Chí Minh cho các cửa hàng bán lẻ trong nước. Bên cạnh đó, công ty cũng đang thực hiện một số hợp đồng cung cấp sản phẩm bàn ghế ngoài trời cho các khu nghỉ dưỡng ở tỉnh Ninh Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu” - anh Bình nói.
Đối với thị trường xuất khẩu, ĐiBi vẫn trung thành với chiến lược tăng chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm để giữ thị trường. Đối thủ cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu hiện nay của các DN Việt Nam nói chung và ĐiBi nói riêng vẫn là hàng Trung Quốc. Theo anh Bình, với những đơn hàng lớn thì sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn của Việt Nam, nhưng ở những đơn hàng nhỏ thì giá cũng tương đương, trong khi đó chất lượng hàng của Việt Nam luôn cao hơn. Mấy năm qua, kinh tế thế giới khó khăn nên các DN nhập khẩu nước ngoài nhắm vào các đơn hàng nhỏ, đây cũng là cơ hội cho hàng đan lát Việt Nam xuất khẩu cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.
Vân Nam