Báo Đồng Nai điện tử
En

Chơi vơi gốm Đồng Nai

10:03, 03/03/2013

Đầu tháng 3 này, UBND TP.Biên Hòa bắt đầu triển khai việc giao đất cho các chủ lò gốm. Chuẩn bị nhận đất, nhưng nhiều chủ lò gốm lại ở trong tâm trạng khá… chơi vơi.

Dự án xây dựng Cụm công nghiệp (CN) gốm sứ Tân Hạnh nhằm di dời các cơ sở, doanh nghiệp (DN) gốm ở TP.Biên Hòa vào hoạt động đã kéo dài hơn 10 năm nay. Đầu tháng 3 này, UBND TP.Biên Hòa bắt đầu triển khai việc giao đất cho các chủ lò gốm. Chuẩn bị nhận đất, nhưng nhiều chủ lò gốm lại ở trong tâm trạng khá… chơi vơi.

Gốm, sứ xuất khẩu hiện là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng kinh tế trong suốt mấy năm qua. Hàng loạt cơ cở, DN trong ngành phải ngưng hoạt động vì không có đầu ra.

* Còn ít lò đỏ lửa

Danh sách DN đã đăng ký vào Cụm CN gốm sứ Tân Hạnh do UBND TP. Biên Hòa công bố lên đến 39 đơn vị, nhưng số lò gốm thực sự còn “đỏ lửa” trong giai đoạn này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng những DN gốm xuất khẩu được lại càng ít và cũng giảm bớt công nhân, thu hẹp quy mô sản xuất. Một chủ lò gốm có tiếng ở Tân Vạn nhận xét, các cơ sở và DN gốm nhỏ của Biên Hòa hiện nay đang trong tình trạng “chết lâm sàng”, còn lại một số công ty lớn cũng đang “thoi thóp”. “Từ năm 2011 đến nay, hầu hết đơn hàng của các DN xuất khẩu gốm đều bị giảm mạnh. DN của tôi cũng lúc làm lúc nghỉ do không có hàng”, giám đốc này nói.

Sản xuất gốm đen tại Doanh nghiệp tư nhân gốm Phát Thành, phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Nam
Sản xuất gốm đen tại Doanh nghiệp tư nhân gốm Phát Thành, phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Nam

Quả thực, so với các nơi khác, nghề gốm Đồng Nai đang bị thụt lùi về sản lượng, điều này thể hiện rõ nhất trong vài năm gần đây, khi từ những DN nức tiếng có sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, nhiều cơ sở gốm ở Biên Hòa phải chuyển sang nhận hàng gia công cho các DN gốm của tỉnh Bình Dương do ít đơn hàng.

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết, ngành gốm hiện đang gặp khá nhiều khó khăn, gần 40 cơ sở, DN xin vào Cụm CN gốm sứ Tân Hạnh là những chủ lò còn yêu nghề, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các lò phải tạm ngưng hoạt động, chờ khi có cơ hội thì những lò này sẽ nổi lửa trở lại.

* Tìm hướng bán hàng

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần mỹ thuật Gốm Việt (nhà máy sản xuất tại xã Hóa An), Phó chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, Đồng Nai chỉ còn gần 40 đơn vị sản xuất gốm, khi vào Cụm CN gốm sứ Tân Hạnh cần phải thay đổi tư duy thì làng nghề này mới có thể phát triển được. Nỗ lực chính là các DN và Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai phải tạo thêm được những giá trị ở đây. Nếu chỉ nghĩ đến việc đơn thuần vào cụm gốm để giải quyết vấn đề môi trường thì sự sống còn của các lò gốm sẽ rất khó”.

Theo ông Tâm, để Cụm CN gốm sứ Tân Hạnh phát triển được, trước mắt phải giải quyết những vấn đề về đầu ra, ít nhất là trong nước. Ông Tâm gợi ý, nên có hướng xây dựng nơi đây một siêu thị gốm lớn nhất phía Nam. Siêu thị này vừa giúp DN quảng bá được sản phẩm, đồng thời là sản phẩm cho cả ngành du lịch. Mặc dù mỗi lò gốm có một bí quyết và sản phẩm khác nhau, tạo thành những giá trị gốm khác nhau nhưng các cơ sở nhỏ phải kết hợp tạo thành một khối liên minh để sản xuất thì mới hiệu quả và phải bố trí rõ các khu vực sản xuất gốm đất đen, đất đỏ và đất trắng để tránh việc nhiễm từ (kim loại) khi sản xuất sau này.

“Đồng Nai là cửa ngõ giao thông, nhưng hầu như không có sản phẩm du lịch nào. Trong khi đó, gốm Đồng Nai với chất lượng tốt và danh tiếng lâu đời, có thể trở thành sản phẩm du lịch rất đặc trưng, tại sao không phát triển? Với kinh nghiệm làm gốm 30 năm của tôi cho thấy, tại nhiều nước, DN đã tồn tại khá tốt khi theo mô hình sản xuất kết hợp với du lịch” - ông Tâm nói. 

Khắc Giới

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều