Báo Đồng Nai điện tử
En

Bỏ không công trình cấp nước

09:03, 25/03/2013

Để giảm bớt áp lực thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, thời gian qua Đồng Nai đã đầu tư 13 hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, một số công trình hiện đang bỏ không, gây bức xúc cho người dân.

Để giảm bớt áp lực thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, thời gian qua Đồng Nai đã đầu tư 13 hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, một số công trình hiện đang bỏ không, gây bức xúc cho người dân.

Tại xã Phú An (huyện Tân Phú) và xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), có 3 công trình cấp nước sinh hoạt chưa được quản lý, khai thác đúng với khả năng của công trình khiến nhiều hộ dân gần công trình vẫn chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, phải mua đong từng lít.

* Bỏ không công trình tiền tỷ

Trong những ngày này, tới xã Phú An (huyện Tân Phú) mọi người mới thấy hết nỗi khó khăn do thiếu nước của người dân nơi đây. Nhiều gia đình phải đi xin nước từ một số hộ có giếng khoan để dùng. Các hộ dân ở xa giếng khoan phải hút vét tận đáy giếng đào để lấy nước, nhưng cũng chỉ tạm đủ cho nấu ăn, còn tắm giặt đành phải “nhịn”. Thực tế, xã Phú An được đầu tư xây dựng hai hệ thống cấp nước sinh hoạt với tổng vốn gần 6 tỷ đồng, nhưng đến nay hàng trăm hộ dân vẫn thiếu nước sinh hoạt.

3 máy bơm của hệ thống cấp nước sạch xã Phú An (huyện Tân Phú) đều bị hư hỏng. Ảnh: L.Ngân
3 máy bơm của hệ thống cấp nước sạch xã Phú An (huyện Tân Phú) đều bị hư hỏng. Ảnh: L.Ngân

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Trước đây, xã được đầu tư  một hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung ở ngay trung tâm xã với công suất 480m3/ngày đêm, cung cấp cho khoảng 4.600 dân với kinh phí trên 4,8 tỷ đồng. Nhưng gần 1 năm nay, 3 máy bơm bị hư hỏng, đường ống dẫn nước bị công trình đường 600A thi công xây dựng cày xới bể nát nên nhiều hộ dân không có nước dùng”.

Chị Nguyễn Thị Mạnh ở ấp 5, xã Phú An cho hay: “Gia đình tôi bỏ ra hơn 1 triệu đồng để kéo ống dẫn nước về, nhưng sử dụng chưa được 1 năm thì ống rò rỉ, không dùng được, lại phải dùng nước giếng đào. Giếng đào vào mùa khô nước ít, nhiễm phèn vẫn phải dùng, chỉ đủ nấu ăn, còn tắm giặt rất hạn chế”.

Theo Hội Nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), toàn xã có 5 công trình cấp nước tập trung, song hầu hết đều không phát huy được hiệu quả. Trong đó, một số công trình máy móc hư hỏng, có công trình người dân không nộp đủ tiền điện dẫn đến không thể cấp nước.

Công trình cấp nước tại ấp 6, xã Phú An được đầu tư xây dựng từ năm 2009 với tổng kinh phí xây dựng trên 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 134, nhưng người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Bởi từ khi được xây dựng đến nay, hệ thống vẫn nằm bất động, máy móc bỏ hoang. “Công trình sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng với mục đích cấp nước cho đồng bào dân tộc thiểu số và một số hộ dân sống ở vùng lân cận, nhưng do nhiều người không có tiền kéo ống, máy móc vẫn còn bỏ nguyên không hoạt động” - ông Lương Văn Duyến, người dân ấp 6 nói.

Ông Đặng Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tân Phú giải thích: “Theo quy định, nhà nước chỉ đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước và các tuyến ống chính, còn lại người dân bỏ tiền làm nốt tuyến ống kéo về nhà mình. Còn việc xây dựng đường làm hư đường ống sẽ buộc nhà đầu tư phải đền bù để làm lại”.

* Mất tiền vẫn thiếu nước sạch

Tương tự, ấp 1, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đã được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, nhưng người dân bỏ tiền làm đường ống, lắp đồng hồ rồi vẫn không có nước dùng. Bà Trần Thị Bạch ở ấp 1, xã Thanh Sơn bức xúc: “Chúng tôi lắp đồng hồ và đường ống nhưng không hiểu sao chỉ có nước được 1 năm đầu, còn mấy năm sau không có nước. Do đó, vào mùa khô lại rơi vào cảnh thiếu nước sạch”.

Đường ống nước xã Phú An (huyện Tân Phú) bị bể do làm đường...
Đường ống nước xã Phú An (huyện Tân Phú) bị bể do làm đường...

Tương tự, nhiều hộ khác ở ấp 1, xã Thanh Sơn cũng phàn nàn về việc họ đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để lắp đồng hồ, kéo ống mong được dùng nước sạch, nhưng kết quả vẫn phải dùng nước “bẩn”. Theo UBND huyện Định Quán, công trình được giao trách nhiệm cho xã quản lý, nhưng vì công tác quản lý kém không phát huy hiệu quả, dẫn đến xuống cấp do ít được duy tu, bảo dưỡng. Trước thực trạng trên, huyện Định Quán vừa yêu cầu rà soát tất cả các công trình nước sạch trên địa bàn để có biện pháp sửa chữa, tránh lãng phí kéo dài.

Theo Hội Nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), toàn xã có 5 công trình cấp nước tập trung, song hầu hết đều không phát huy được hiệu quả. Trong đó, một số công trình máy móc hư hỏng, có công trình người dân không nộp đủ tiền điện dẫn đến không thể cấp nước.

Ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, khẳng định: “Nhiều hộ dân không trả tiền điện cộng với sự quản lý yếu kém dẫn đến công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả. Thời gian tới, huyện sẽ giao việc quản lý các công trình này cho Ban Quản lý các công trình thủy lợi của huyện để phát huy hiệu quả của công trình”.

Khánh Minh - Lê Ngân

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích