Năm 2013 được xem còn nhiều khó khăn, đặc biệt đối với tình hình sản xuất và xuất khẩu. Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.
Năm 2013 được xem còn nhiều khó khăn, đặc biệt đối với tình hình sản xuất và xuất khẩu. Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2012 đạt 114,6 tỷ USD, tăng 4,6% so với kế hoạch và tăng khoảng 18,2% so với năm 2011, con số này có nói lên rằng doanh nghiệp (DN) đang ngày càng “khỏe” ra?
- Ông Trần Ngọc Liêm: DN trong nước đã khó khăn từ cuối năm 2007, tính đến nay đã 5 năm, và mỗi năm đều khó hơn. Nhưng có một điều “lạ” là tổng kết năm nào, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng, mặc dù khi tiếp xúc với các DN, chúng tôi đều nhận được thông tin là tình hình rất khó khăn.
May xuất khẩu tại Công ty Dovitec. Ảnh: K.Giới |
Theo tôi, điều bất cập nằm ở chỗ số liệu thống kê về xuất khẩu của Việt Nam khi khai hải quan thường được quy đổi theo giá FOB (DN trực tiếp tham gia vào các khâu từ nhập nguyên liệu, thiết kế mẫu đến tiêu thụ thành phẩm) trong khi trên thực tế, nhiều DN Việt Nam chỉ làm gia công và nhận một phần tiền rất nhỏ so với tổng số tiền hàng hóa khai báo với cơ quan chức năng. Trong con số 114,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thì giá trị thực nhận của các DN Việt Nam là rất ít. Trong cơ cấu về giá trị xuất khẩu hiện nay, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều lần so với doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, chỉ riêng Tập đoàn Samsung đã chiếm trên 10 tỷ USD trong tổng số 114,6 tỷ USD xuất khẩu. Nếu chỉ tính kim ngạch của các DN thuần túy Việt Nam thì có thể nói là doanh số xuất khẩu rất nhỏ. Chính vì vậy, tôi cho rằng con số này chưa phản ánh đúng tình trạng “sức khỏe” của DN xuất khẩu Việt Nam hiện nay.
* Ông đánh giá thế nào về thị trường xuất khẩu năm nay?
- Cá nhân tôi cho rằng, thị trường xuất khẩu trong năm 2013 còn nhiều khó khăn. Để chống đỡ, các DN cần chủ động liên kết với nhau, về phía các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, DN Việt Nam phải có cách xâm nhập thị trường hiệu quả hơn. Thực tế, nhiều DN may mặc nhỏ rất khó khăn trong việc kiếm đơn hàng, nhưng ngược lại, những DN lớn, nhất là DN có vốn FDI thì đơn hàng lại rất nhiều. Tuy nhiên, họ không chia sẻ cho các DN khác được bởi nhà nhập khẩu ở nước ngoài không chấp nhận cho chuyển gia công ra ngoài. Khi mua sản phẩm của DN nào, họ phải nắm rõ thực trạng sản xuất của DN đó, thậm chí cử cả chuyên gia giám sát. Với mặt hàng đồ gỗ, năm 2013 DN vẫn chưa hết khó. Trong đó, đáng chú ý nhất là ở Mỹ và EU áp dụng Luật Lacey và Flegt nhằm kiểm soát nguồn gốc gỗ và các chất độc hại. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa kiểm soát khắt khe đối với việc thực thi luật này. Tuy vậy, DN cần chuẩn bị tốt vì nếu Mỹ bất ngờ kiểm soát chặt, có thể lượng hàng vào Mỹ sẽ còn giảm mạnh. |
* Những ngành hàng xuất khẩu nào trong năm 2013 này sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thưa ông?
- Có thể kể đến một số mặt hàng được xem là xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như: dệt may, da giày, nông - thủy sản, chế biến gỗ, điện tử. Các thị trường nhập khẩu lớn từ Việt Nam, như: EU, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc hiện cũng chưa phục hồi, ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng. Ngành thủy sản năm nay cũng không thuận lợi, cụ thể Nhật đã đưa ra nhiều hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm tôm xuất khẩu. Tại thị trường EU, thủy sản nhập khẩu cũng bị kiểm soát rất gắt gao. May mặc thì vẫn phát triển nhưng khả năng tăng trưởng kim ngạch không cao vì không phải là hàng cao cấp và đang bị cạnh tranh mạnh của hàng hóa đến từ nhiều nước.
* Theo ông, các DN xuất khẩu cần chú ý đến những điều gì?
- Thị phần hàng của Việt Nam xuất khẩu không lớn so với thế giới, trừ một số mặt hàng, như: gạo, tiêu, cà phê và hạt điều. Theo tôi, những mặt hàng nào mà các DN sản xuất, kinh doanh tương tự hàng của Trung Quốc mà đang bị các thị trường lớn áp thuế hoặc điều tra chống bán phá giá hay kiểm soát chặt thì cần phải cẩn trọng. Các DN cũng cần kiếm thị trường dự phòng, tuân thủ pháp luật tốt và lưu trữ chứng từ đầy đủ. Đặc biệt là sản xuất cần minh bạch, không tiếp tay cho các hành vi gian lận trong sản xuất, thương mại, đồng thời nên có tinh thần đấu tranh chống gian lận tốt, nhất là gian lận trong chuyển tải hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
Khắc Giới (thực hiện)