Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang được nhà đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai “hăm hở” xây dựng, nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học thì các dự án này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ngay trên chính dòng sông Đồng Nai.
Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang được nhà đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai “hăm hở” xây dựng, nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học thì các dự án này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ngay trên chính dòng sông Đồng Nai.
Các chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cảnh báo, nếu thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng thì nhiều loại cá có giá trị trên sông Đồng Nai sẽ biến mất.
* “Siêu di cư” cũng đầu hàng
Ông Phạm Văn Miên, chuyên gia nghiên cứu về cá trên sông Đồng Nai cho biết, hai loài thủy sản quý thường di cư xuống cửa sông và biển để sinh sản rồi lại ngược lên thượng nguồn để sinh trưởng là cá chình mun và tôm càng xanh. Đây là hai loài có giá trị kinh tế cao nhất của lưu vực sông Đồng Nai trước đây, nhưng từ khi hồ Trị An tích nước cho nhà máy thủy điện hoạt động thì đường di cư của hai loài cá này cũng bị cắt đứt.
Dạng hồ chứa kiểu sông như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ rất khó cho việc nuôi cá và đánh bắt. Trong ảnh: Nuôi cá bè trên hồ Trị An. |
Đặc tính của cá chình và tôm càng xanh là khi sinh sản sẽ bơi ra cửa biển, nhưng khi phát triển lại trở ngược vào vùng thượng nguồn của sông. Khi cá, tôm tìm đường đi sinh sản phải đi qua tuabin máy phát điện nên tỷ lệ sống sót rất thấp, đây cũng là nguyên nhân khiến lượng cá bị giảm. Bên cạnh đó, đập nước của nhà máy thủy điện cũng đã chặn đứng việc cá và tôm ngược dòng lên thượng nguồn, chính vì vậy, cá chình và tôm càng xanh phía trên các hồ thủy điện ngày một cạn kiệt dần. Ngoài cá chình mun và tôm càng xanh, sông Đồng Nai còn có 10 loài cá quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam là: trèn sóc, ét mọi, duồng bay, duồng xanh, ngựa xám, trê trắng, chiên, chiên nam, lóc bông và cá hường sông cũng nằm trong mối đe dọa.
Theo đánh giá của VRN, một công trình thủy điện được hoàn thành thì nguồn lợi thủy sản ở đoạn hạ lưu sẽ bị giảm do lượng cá từ thượng nguồn di chuyển xuống bị giữ lại trong lòng hồ. Công trình thủy điện còn làm cho những loại cá có giá trị cao, như: lăng, leo, trèn… giảm mạnh.
* Thiệt hại lớn
Các nhà khoa học của VRN cũng cho rằng, việc xây dựng hàng loạt thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai đã “chặt khúc” dòng sông này ra thành từng đoạn nhỏ, làm mất đi không gian sinh sản và sinh sống của các loài cá. Nếu như những công trình thủy điện Đơn Dương, Đồng Nai 3 và Trị An xây dựng theo kiểu hồ chứa thì Đồng Nai 6 và 6A lại có hồ chứa nằm ngay trên sông. Hồ chứa trên sông rất khó khăn cho việc nuôi và khai thác cá tự nhiên. Tại hội thảo thường niên của VRN vào cuối năm 2012, ông Miên cùng cộng sự của mình cho hay, những hồ thủy điện kiểu sông như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A làm cho việc nuôi cá cực kỳ khó khăn do cơ chế điều tiết nước hàng ngày và nếu có nuôi được cũng không đánh bắt được.
Nhóm nghiên cứu còn khẳng định, khi thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tích nước, không gian sinh tồn và nơi sinh sản của các loài cá kích thước lớn có giá trị cao, như: cá lăng, cá trèn, cá sơn dài, cá leo, cá mè núi sẽ bị mất. Một thực tế đã diễn ra là khi thủy điện Đồng Nai 4 (dạng hồ chứa kiểu sông) tích nước khiến vùng hạ lưu gần như không có nước trong vòng một tháng làm cho người dân thiếu nước tưới tiêu và cá gần như không có. “Chắc chắn nếu thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đi vào hoạt động, sản lượng các loại cá di cư sinh sản có giá trị cao, kích thước lớn ở khu vực từ chân đập thủy điện Đồng Nai 6 đến hồ Trị An sẽ giảm mạnh”, ông Miên nói.
Vân Nam