Sau Tết Nguyên đán, khi bắt đầu vào mùa thu hoạch điều, nhiều đơn vị chế biến điều trong tỉnh lại vất vả xoay trở tìm vốn để mua điều nguyên liệu, tính toán thị trường đầu ra cho cả một năm sản xuất. Năm nay, nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) chế biến hạt điều bước vào vụ với một tâm thế mới.
Sau Tết Nguyên đán, khi bắt đầu vào mùa thu hoạch điều, nhiều đơn vị chế biến điều trong tỉnh lại vất vả xoay trở tìm vốn để mua điều nguyên liệu, tính toán thị trường đầu ra cho cả một năm sản xuất. Năm nay, nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) chế biến hạt điều bước vào vụ với một tâm thế mới.
Công nhân đang đóng hàng nhân điều xuất khẩu tại Công ty Donafoods. Ảnh: K.GIớI |
Theo dự báo, sản lượng điều thu hoạch của tỉnh năm 2013 sẽ trên 70 ngàn tấn. Hiện tại một số huyện đã có thu hoạch. 3 năm gần đây, chất lượng và năng suất điều của Đồng Nai được đánh giá tốt nhất so với cả nước, đây cũng là một lợi thế.
Ngược xuôi bán điều
Ông Nguyễn Thái Học, Tổng giám đốc Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) cho biết, năng lực chế biến của các đơn vị trong tỉnh hiện đạt khoảng 150 ngàn tấn điều thô mỗi năm, tương đương với 33 ngàn tấn nhân điều và 40 ngàn tấn dầu vỏ điều. Trong đó, các cơ sở, DN nhỏ chiếm tới 60% sản lượng. Hầu hết các DN nhỏ chỉ sản xuất nhân điều rồi bán lại cho DN khác chứ không trực tiếp xuất khẩu. Số nhân điều này được bán cho các nhà xuất khẩu ở TP.Hồ Chí Minh, Long An, Vũng Tàu và một số tỉnh miền Trung. Đơn cử, Công ty TNHH một thành viên nông sản Trường Thịnh (huyện Cẩm Mỹ) mỗi năm chế biến trên 1 ngàn tấn điều thô và cũng phải bán trôi nổi khắp nơi do không trực tiếp xuất khẩu được. Ông Lê Văn Vinh, Giám đốc công ty chia sẻ: “Tôi đã chế biến hạt điều được 7 năm, toàn bộ nhân điều đem bán cho các DN ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Năm nay, Đồng Nai thành lập Hiệp hội điều nên hầu hết DN rất mừng và tham gia ngay do kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để gắn kết việc sản xuất và kinh doanh với công ty lớn của tỉnh là Donafoods. Chúng tôi chỉ tập trung cho sản xuất và bán ngay cho Donafoods để DN đỡ vất vả ngược xuôi đưa điều đi bán ở các nơi như mọi năm”. Ông Vinh cũng cho biết thêm, ngay cả với điều thô, đầu vào cũng sẽ được Donafoods nhập khẩu, giao trực tiếp cho các đơn vị, không phải mua qua trung gian như trước đây.
Theo tính toán, chỉ riêng các cơ sở, DN nhỏ trong tỉnh hàng năm đã chế biến khoảng 90 ngàn tấn hạt điều thô, tương đương 20 ngàn tấn điều nhân, số sản phẩm này bán trôi nổi khắp nơi, chủ yếu về TP.Hồ Chí Minh và Long An.
Liên kết để vượt khó
Được biết, Donafoods sẽ mua lại nhân điều của các cơ sở chế biến đã liên kết với công ty; tư vấn về công nghệ, thiết bị chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra sẽ thông tin thường xuyên về thị trường, giá cả cho các đơn vị liên kết; khuyến cáo về sản lượng chế biến, về mua điều nguyên liệu trong nước và nhập khẩu. |
Năm 2012, khi ngành điều gặp khó khăn, những đơn vị chế biến nhỏ đã gặp phải các hệ lụy, như: tồn hàng, hàng phẩm cấp thấp, hàng bị lỗi do không tiêu thụ kịp thời… dẫn đến không tiêu thụ được. Do sản xuất tự phát nên chất lượng sản phẩm không được kiểm soát, tồn kho lâu dẫn đến không hiệu quả trong sản xuất. Một minh chứng khá cụ thể là năm 2012, các cơ sở ở huyện Xuân Lộc đã tồn kho lượng điều trị giá lên đến 1 ngàn tỷ đồng.
Không chỉ đầu ra khó khăn, vốn để mua nguyên liệu đầu vào cũng trắc trở không kém. Ông Võ Công Thọ, chủ DN tư nhân Phú Thọ ở huyện Xuân Lộc cho biết, mặc dù DN chế biến trên 1 ngàn tấn điều mỗi năm nhưng khi đi vay vốn ngân hàng, chỉ được vay… 1 tỷ đồng, số tiền này chỉ mua được 40 tấn điều nguyên liệu và chế biến trong vòng 10 ngày là hết. Để duy trì được sản xuất, buộc DN phải mua thiếu điều thô từ các thương lái kinh doanh với giá cao. Đối với điều nguyên liệu nhập khẩu, DN cũng phải mua qua nhiều tầng trung gian nên giá khá đắt đỏ.
Để gỡ khó cho nhu cầu về vốn, tại buổi làm việc giữa 15 đơn vị liên kết với Donafoods cùng 2 ngân hàng, bảo trợ vốn là Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh khu công nghiệp Biên Hòa và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Đồng Nai diễn ra vào giữa tuần trước, các chủ cơ sở, DN đều cho rằng ngân hàng cần cho vay theo tín chấp dựa trên hợp đồng giao hàng giữa các đơn vị với Donafoods. Ông Nguyễn Thái Học cho biết, tổng nhu cầu vốn để mua 150 tấn hạt điều (70 tấn trong nước và 80 tấn nhập khẩu) năm nay là 2.570 tỷ đồng, trong đó số tiền cần ngân hàng tài trợ cho vay khoảng 1.800 tỷ đồng. Hai ngân hàng nhận tài trợ vốn cho biết, số vốn trên ngân hàng hoàn toàn có thể đáp ứng đủ và sẽ sớm khảo sát thực tế sản xuất của từng cơ sở, DN để có phương án cho vay.
Hiện tại 15 cơ sở, DN đã liên kết với Donafoods để chế biến điều xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 70 cơ sở chế biến điều vẫn chưa liên kết.
Khắc Giới