Những món ăn dân dã thường gắn với tâm thức của mỗi người về vùng đất nơi họ sinh ra, trưởng thành. Có thể không sang trọng, cầu kỳ như thực đơn tại các nhà hàng nhưng không dễ mấy ai quên.
Những món ăn dân dã thường gắn với tâm thức của mỗi người về vùng đất nơi họ sinh ra, trưởng thành. Có thể không sang trọng, cầu kỳ như thực đơn tại các nhà hàng nhưng không dễ mấy ai quên.
Dù ở chốn thị thành hay vùng nông thôn, chúng ta vẫn có thể tìm lại nguyên vẹn hồn quê qua những món ăn bình dị do những người bà, người mẹ làm ra bằng tấm lòng thơm thảo.
* Món quen mà lạ
Xứ Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) nức tiếng xa gần nhờ trái bưởi. Trong thực đơn của Khu du lịch Làng Bưởi có nhiều món đặc sản được chế biến từ loại trái cây này, như: rượu bưởi, gỏi, lẩu, gà hầm trong trái bưởi, thịt nướng lá bưởi… Nhắc đến Tân Triều ngày tết, người ta còn nhớ món nem bưởi.
Bà Mười Nhĩ 40 năm thủy chung với nghề làm trà thủ công ở Phú Hội. |
Bà Huỳnh Thị Lệ Trinh - mọi người vẫn gọi với cái tên quen thuộc là bà Sáu nem bưởi vì bà làm món này lâu năm và ngon nổi tiếng xứ này. Nem được làm từ những nguyên liệu ở nhà quê, như: quả khế chua, đu đủ, phần vỏ trắng của trái bưởi… Bà Sáu nhớ lại, hồi còn nhỏ, mấy chị em gái trong nhà đều phải phụ mẹ làm nem vì món ăn chế biến rất công phu. Người thì bào đu đủ nhuyễn thành sợi, người vắt khế lấy nước chua, các công đoạn cắt, luộc, sên cùi bưởi… cũng rất kỳ công. Nem bưởi vẫn là món chay dù hình thức bên ngoài không khác loại nem làm từ thịt. Mỗi dịp xuân về, khách từ nhiều nơi tìm về rất đông để đặt món đặc sản không đâu có này làm quà biếu tết.
Ở cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa), bà Huỳnh Thị Ngọc Tâm, 62 tuổi cũng được biết đến như người làm bánh phu thê gia truyền. Thời xưa, cha mẹ bà từ miền Trung vào đây lập nghiệp, mang theo món bánh ở quê đến vùng đất mới. Bà kế thừa từ mẹ nghề làm bánh và gắn bó cho tới nay. Bà Tâm cho biết, nguyên liệu làm bánh đều từ tự nhiên: bột nếp, đậu xanh, dùng thịt trái sầu riêng để tạo hương, màu xanh bằng lá dứa, vị béo của dừa. Để món bánh ngon, bà chọn loại nếp mùa (nếp 6 tháng), tỉ mỉ ở từng công đoạn. Vì dùng trong sính lễ đón dâu nên bánh phu thê phải ngon, hình thức cũng cần vuông vắn, đầy đặn. Bánh gói bằng lá chuối chuyên bán cho người ăn hàng ngày; bánh vào khuôn lá dứa dùng trong lễ cưới, hỏi. Chiếc bánh ra lò thơm mùi lá dứa, xanh mướt không đổi màu dù để vài ngày. Bà Tâm kể, qua mấy mươi năm, món bánh đã thành một phần của đất cù lao Phố, nó có vị đậm đà rất riêng mang dấu ấn của con người miền Nam. Những người con đất cù lao Phố xa xứ, có dịp về thăm quê thường ghé mua bánh phu thê vì nó đã trở thành hương vị quê nhà trong hoài niệm của mỗi người.
* Mấy đời làm đặc sản
Người Tân Triều quen gọi bà Quảng Thị Danh là bà Bảy bánh tét, vì từ hồi con gái đến độ tuổi 72, bà sống bằng nghề này. Gia đình bà có 4 người dâu, con đều theo nghề làm bánh. Xung quanh thúng gạo, khay thịt mỡ, đậu xanh…, mẹ con bà vừa gói bánh vừa tỉ tê nói chuyện trong nhà, lối xóm. Mấy đứa cháu nhỏ chộn rộn xung quanh, khi thì phụ bà xếp lá, khi lấy cho mẹ bó dây buộc...
Bà Quảng Thị Danh và các con đang gói bánh tét. |
Đến Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), nhiều người biết tiếng lò bánh tráng của bà Mười Xiêm vì nó đã tồn tại qua 3 thế hệ. Căn nhà ngói với khoảng sân lát gạch rộng rãi dùng để phơi bánh tráng của những người phụ nữ chân chất, hồn hậu để lại ấn tượng gần gũi cho khách ghé thăm. Bà Mười giờ đã qua tuổi 90 nhưng còn rất minh mẫn, là người đắp lò tráng bánh rồi truyền lại cho con, cháu. Cả đời, bà gắn bó với cái lò đất và chiếc cối đá xay bột. Con và cháu gái đều kế thừa được từ bà đôi bàn tay vén khéo, tính tình chịu thương, chịu khó. Dáng bà Mười ngồi bỏm bẻm nhai trầu trước hiên ngôi nhà ngói ba gian như mang cả hình ảnh quê nhà bình dị.
Nhơn Trạch còn nổi tiếng với trà Phú Hội. Cây trà dường như đã gắn với lịch sử vùng đất này. Bà Mười Nhĩ, người gắn bó thủy chung với nghề làm trà thủ công gần 40 năm cho biết, thời xưa ở đây có những gốc trà trên trăm tuổi. Nhà nhà trồng trà nên hầu hết người dân đều biết chế biến trà để bán. Trà Phú Hội thường được làm từ đọt tươi, cứ cách 10 ngày thì hái một lần, để héo, vò cho trà săn lại rồi tiếp tục phơi khô. Xưa nay, những nhà vườn ở đây đều làm trà theo cách thủ công bởi họ cho rằng như vậy trà mới ngon vì giữ được vị thơm từ nắng, vị ngọt từ đất quê. Từ lá trà xanh có thể tạo ra nhiều hương vị khác nhau bằng cách ướp thêm bông lài, lá ren, lá dứa… Cây trà cũng không phụ những người gắn bó, tuy rất cực công, đồng lời lại ít nhưng nhờ nghề trà nhiều gia đình nghèo đã nuôi con ăn học nên người.
Khi pha, trà Phú Hội có màu đỏ hổ phách rất đẹp, hương vị thơm mát, ngọt dịu không lẫn với các loại trà khác. Theo những người sành trà, như câu ca ông bà xưa để lại: “nước Mạch Bà, trà Phú Hội”, trà ở xứ này khi pha bằng nước Mạch Bà càng thêm đậm đà, thanh khiết...
Bình Nguyên