Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch bệnh hành cây lúa

09:02, 27/02/2013

Nhiều nông dân huyện Vĩnh Cửu gọi đợt sâu cuốn lá này là “đại dịch”, vì từ trước đến nay, chưa có đợt sâu bệnh nào gây hại lớn và nhanh đến thế. Hàng trăm hécta lúa ở Vĩnh Cửu đứng trước nguy cơ mất trắng.

Nhiều nông dân huyện Vĩnh Cửu gọi đợt sâu cuốn lá này là “đại dịch”, vì từ trước đến nay, chưa có đợt sâu bệnh nào gây hại lớn và nhanh đến thế. Hàng trăm hécta lúa ở Vĩnh Cửu đứng trước nguy cơ mất trắng.

Có mặt tại một số cánh đồng của các xã: Tân Bình, Bình Lợi, Tân An…, chúng tôi bắt gặp nhiều ruộng lúa cháy khô do dịch sâu cuốn lá. Chủ nhân các ruộng lúa chỉ còn biết thở dài vì mất trắng vụ lúa đông - xuân 2012-2013. Còn lại các ruộng khác, sâu cuốn lá chưa tàn phá hết nên nhiều người vẫn ra sức phun thuốc để cứu chữa.

* Cứu lúa

Anh Huỳnh Ngọc Giàu (ấp Tân Triều, xã Tân Bình) than: “Năm nay, dịch sâu cuốn lá xảy ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Từ đó đến nay, ngày nào tôi cũng phải ra thăm ruộng và cách 2-3 ngày lại phun thuốc một lần. Tôi đã phun 4 đợt thuốc, mỗi đợt tốn gần 300 ngàn đồng/hécta. Hiện sâu bệnh đã đỡ, nhưng không biết có qua được đợt dịch này không”. Tương tự, anh Lê Công Thành (ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình) nói: “Gần 20 năm trồng lúa, chưa khi nào tôi gặp đợt dịch cuốn lá lớn như thế. Hộ nào không kịp thời phun thuốc phòng trừ thì chỉ trong 2-3 ngày ruộng lúa đã bị sâu ăn trắng xóa. Tôi có 5 sào mà phải phun thuốc đến 7 lần mới cứu được, nhưng chắc chắn năng suất vụ này sẽ giảm nhiều. Cũng may còn vớt vát được, chứ nhiều hộ phun thuốc chậm không cứu được lúa chết khô, nhìn mà xót ruột”. Để minh chứng, anh Thành chỉ sang ruộng bên cạnh với gần 1 hécta lúa chết khô vì không cứu kịp.

Pha thuốc trừ sâu phun cho lúa. Ảnh: H.Giang
Pha thuốc trừ sâu phun cho lúa. Ảnh: H.Giang

Ông Lê Văn Thịnh (ấp 3, xã Tân An) cho biết: “Cao điểm của dịch vào khoảng giữa tháng 2, kéo dài đến nay, cũng may tôi phát hiện sớm nên phun thuốc phòng trước, cứu được. Tuy vậy, vẫn chưa an tâm vì sợ dịch sâu cuốn lá còn tiếp tục quay lại. Lúa đang vào giai đoạn sắp làm đòng, nếu bị sâu cuốn lá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất”.

* Xảy ra ở nhiều nơi

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, vụ đông - xuân 2012-2013, huyện Vĩnh Cửu gieo trồng hơn 2,3 ngàn hécta lúa. Vào thời điểm giữa tháng 2-2013, toàn huyện có gần 1.300 hécta lúa bị dịch sâu cuốn lá. Ngoài huyện Vĩnh Cửu, một số huyện khác trong tỉnh, như: Long Thành, Nhơn Trạch cũng xảy ra bệnh sâu cuốn lá nhưng diện tích không nhiều và mức độ nhẹ hơn.

Ông Huỳnh Hữu Lộc, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Hiện nay, dịch sâu cuốn lá trên cây lúa đã giảm, song vẫn còn gần 700 hécta lúa bị bệnh đang phải tiếp tục phòng trừ. Những ngày qua, trạm cử cán bộ xuống tận cánh đồng hướng dẫn bà con cách phun thuốc. Những hộ phát hiện sâu bệnh và phun thuốc ngăn chặn kịp thời đa số cứu được. Người dân không nên thấy sâu bệnh nặng rồi nản, bỏ không phun thuốc thì sẽ mất trắng”. Theo ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, sâu cuốn lá đa số xảy ra ở cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh (khoảng hơn 1 tháng) nên nếu bà con chăm sóc, phun xịt thuốc kịp thời sẽ cứu được và ít ảnh hưởng đến năng suất. Chỉ riêng ở xã Tân An, một số cánh đồng bị sâu cuốn lá tấn công trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nên khả năng sẽ giảm năng suất 10-15%.

Trả lời câu hỏi vì sao không công bố dịch khi diện tích lúa bị nhiễm bệnh quá lớn, ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn giải thích: “Theo quy định, bệnh sâu cuốn lá không nằm trong danh sách các loại bệnh có thể công bố dịch. Vì thế, khi nhận được thông tin nhiều diện tích lúa ở Vĩnh Cửu bị sâu cuốn lá, Sở đã kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật phun xịt thuốc phòng trừ cho nông dân”.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều