Ngành đan lát xuất khẩu năm 2012 gặp khá nhiều khó khăn do thị trường truyền thống giảm sút. Năm 2013, theo các doanh nghiệp (DN) trong ngành, thị trường vẫn tiếp tục bị thu hẹp, và đây là một thách thức rất lớn.
Ngành đan lát xuất khẩu năm 2012 gặp khá nhiều khó khăn do thị trường truyền thống giảm sút. Năm 2013, theo các doanh nghiệp (DN) trong ngành, thị trường vẫn tiếp tục bị thu hẹp, và đây là một thách thức rất lớn.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Công ty ĐiBi ở xã Phước Tân, TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Vy |
Để đối phó, nhiều DN phải nỗ lực tìm kiếm thị trường và liên tục đưa ra những sản phẩm mới để cố gắng có được hợp đồng duy trì sản xuất. Ngoài ra, đa dạng hóa sản phẩm bằng cách kết hợp giữa sản phẩm đan lát với gốm, tôn, gỗ đã được triển khai tối đa nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
Bôn ba tìm thị trường
Ông Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc Công ty Đức Phong (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, trong năm 2012 ông đã phải sang châu Âu 2 lần để thăm dò thị trường. Thị trường xuất khẩu chính của DN trước đây là Đức và Hà Lan. Cuối năm 2011 khi thị trường Hà Lan bị giảm, ông Đức đưa hàng sang Italia và Pháp để bán. Nhưng những cố gắng của ông cũng chỉ được đến giữa năm 2012 cũng đành”buông” cả 3 thị trường này do hàng bán được quá ít, chỉ còn tập trung cho thị trường Đức.
Theo tính toán, sản phẩm xuất khẩu của Công ty Đức Phong hiện nay đã giảm một nửa so với năm 2011. Cho đến nay, khó khăn của nền kinh tế các nước châu Âu vẫn đang là nỗi ám ảnh của chủ DN này. “Năm ngoái, tôi sang châu Âu 2 lần để khảo sát thị trường và thấy rất khó khăn. Riêng thị trường Đức, không phải do sức mua giảm mà do có quá nhiều DN thời gian vừa qua đã tập trung xuất khẩu hàng vào đây, nhất là DN Trung Quốc, dẫn đến cạnh tranh cao. Những sản phẩm đan bằng lục bình, mây, cói thì hàng Việt Nam cạnh tranh ngang ngửa với sản phẩm của họ, nhưng hàng dây nhựa thì lại yếu thế hơn” - ông Đức chia sẻ. Năm 2012, doanh thu xuất khẩu của Công ty Đức Phong chỉ đạt hơn 500 ngàn USD.
Cũng là DN làm hàng xuất khẩu sang châu Âu gần 10 năm, nhưng đến năm 2012 thì Công ty TNHH một thành viên Hà Thịnh (phường Trảng Dài, TP.Biên Hoà) đã phải nhận gia công hàng cho các DN khác ở Bình Dương nhiều hơn là hàng của mình tự xuất khẩu. Anh Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc công ty cho hay, năm 2013 phương án của DN là vẫn chọn gia công hàng làm hoạt động chính do rất khó ký được đơn hàng trực tiếp. Những năm trước, đến thời điểm này Công ty TNHH một thành viên Hà Thịnh đã ký đơn hàng đến khoảng tháng 5, nhưng từ đầu năm 2013, công ty vẫn chưa ký được hợp đồng trực tiếp xuất khẩu nào.
Khó giữ vững thị trường
Các thị trường xuất khẩu sản phẩm mây tre đan lớn của Việt Nam hiện vẫn là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhiều DN cho rằng, việc giữ vững thị trường hiện nay không dễ bởi sức tiêu thụ vẫn ở mức thấp. Chị Hà Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Thuận Phát (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay DN xuất khẩu hàng sang thị trường Nhật Bản chưa bị cạnh tranh gay gắt như ở Mỹ và các nước châu Âu. “Từ năm 2010 trở về trước, hàng đan lát của Việt Nam chỉ phải cạnh tranh với các DN Trung Quốc ở Mỹ và châu Âu, nhưng 2 năm qua còn phải cạnh tranh thêm với hàng của một số nước ASEAN. Có những năm, công ty tôi xuất cả hàng sang Thái Lan, nhưng hiện nay Thái Lan cũng có hàng này xuất khẩu” - chị Tâm nói.
Mùa hè sắp đến, đây là thời điểm tiêu thụ hàng thấp nhất trong năm của ngành hàng này. Do vậy, các chủ DN sản xuất sản phẩm mây tre đan xuất khẩu khá lo ngại bởi trước mắt, DN cần phải có đơn hàng, dù ít ỏi để duy trì sản xuất ở mức tối thiểu và giữ chân những công nhân lành nghề.
Tường Vy