Bản đồ phân phối Đồng Nai do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thực hiện đã cơ bản hoàn thành và sẽ được bàn giao cho Đồng Nai để đưa vào ứng dụng thực tế trong năm 2013.
Bản đồ phân phối Đồng Nai do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thực hiện đã cơ bản hoàn thành và sẽ được bàn giao cho Đồng Nai để đưa vào ứng dụng thực tế trong năm 2013. Bản đồ này cung cấp mọi thông tin về mạng lưới phân phối, từ quy luật vận hành hàng hóa, hệ thống kho bãi, hệ thống vận chuyển đến hoạt động phân phối...
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc trung tâm BSA, hiện đang là điều kiện rất tốt để phát triển thị trường nông thôn cho hàng Việt vì tâm lý cả người bán lẻ và người tiêu dùng đều thuận lợi hơn trước. Người mua ngày càng quan tâm sử dụng sản phẩm Việt thay thế cho những loại hàng cấp thấp, không xuất xứ, có nguy cơ độc hại. Bản đồ phân phối sẽ là công cụ hữu ích cho doanh nghiệp (DN) hoạch định chính sách bán hàng và giúp cấp quản lý theo sát được hoạt động của đội ngũ bán hàng, nhất là trong việc phát triển thị trường nông thôn.
* Công cụ hữu ích
Đề án Bản đồ phân phối Đồng Nai đã hoàn tất các bước khảo sát, số hóa bản đồ mạng lưới các điểm phân phối với 44 nhà phân phối chính, 262 chợ và trên 20 ngàn điểm bán lẻ. Đây là một công cụ hữu ích hỗ trợ DN tổ chức việc bán hàng một cách chuyên nghiệp. Từ việc hoạch định chiến lược phân phối đến lên kế hoạch bán hàng; xây dựng chỉ tiêu bán hàng; kiểm soát hiệu quả hệ thống phân phối; quản lý chặt chẽ nhân viên và hợp lý hóa các hoạt động sản xuất, phân phối và bán hàng. Sự thể hiện các điểm bán tập trung trên bản đồ còn giúp DN dễ dàng nhận ra đâu là nơi phù hợp đặt bảng quảng cáo cho sản phẩm của mình để chủ động triển khai với chi phí ít tốn kém hơn. Đây cũng là công cụ hỗ trợ cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý và phát triển thương mại.
Doanh nghiệp Việt nỗ lực đứng vững tại chợ truyền thống. Trong ảnh: Doanh nghiệp tổ chức chương trình dùng thử sản phẩm tại chợ Biên Hòa. Ảnh: B. Nguyên |
Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, bản đồ phân phối sẽ sớm được triển khai vào thực tế. DN có thể liên hệ với Sở để được hỗ trợ thông tin miễn phí. Tuy nhiên, ở đây vai trò của cơ quan chức năng là kết nối, cung cấp thông tin, còn khai thác hiệu quả bản đồ phân phối đến đâu đều do sự nỗ lực của DN.
* Phát triển thị trường nông thôn
Cũng theo ông Châu Minh Nguyện, hiện hàng hóa từ DN chỉ về đến tổng đại lý và “quyền sinh sát” nằm trong tay đối tượng này, nên khi đến thị trường nông thôn phải qua nhiều cấp trung gian khiến giá bán tăng cao. Dựa vào bản đồ phân phối, Sở sẽ phát huy vai trò kết nối giữa tổng đại lý với mạng lưới tiêu thụ tại vùng nông thôn để có chu trình vận chuyển hàng hóa hợp lý, nhất là nhằm giảm chi phí ở khâu trung gian. Năm 2013, nhiều chương trình sẽ được triển khai, như: tổ chức đào tạo ban quản lý chợ, đào tạo cho các tiểu thương về kỹ năng bán hàng, trưng bày… được lồng ghép với cuộc vận động cho hàng Việt.
Khách hàng đang được tư vấn về sản phẩm tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao Đồng Nai năm 2012. Ảnh: B. Nguyên |
Bà Vũ Kim Hạnh cũng chỉ ra thực tế hiện nay, các công ty đa quốc gia sẵn sàng bỏ chi phí cao để đưa từng gói dầu gội lên tận các bản vùng sâu một cách vững chắc và quản lý rất tốt các tuyến này. Cùng với việc xác định nông thôn là thị trường tiềm năng với sức mua chiếm hơn 70% thị phần, nhiều DN đang mở rộng hệ thống phân phối tại đây. “Điều DN cần làm không chỉ bao phủ theo chiều rộng mà phải thâm nhập sâu vào vùng nông thôn. DN phải có hàng hóa để đưa tới các điểm bán mà người tiêu dùng hay tìm đến mua và không để đứt mạch cung ứng. DN cần có nhiều chính sách ưu đãi cho giới tiểu thương, giúp họ có thêm động lực bán hàng. Chính tiểu thương là nhịp cầu đưa hàng đến tay người tiêu dung và tiếp thị sản phẩm hết sức hiệu quả” - bà Hạnh nói.
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) chia sẻ, mục tiêu của nhà máy trong năm mới là triển khai chương trình đưa thịt sạch vào các chợ truyền thống. Đơn vị cũng tập trung đầu tư cải tiến sản phẩm cho phù hợp hơn với thị hiếu tiêu dùng mà vẫn đảm bảo về chất lượng với giá tốt hơn. Đơn vị rất quan tâm đến công cụ bản đồ phân phối trong kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ, nhất là ở kênh chợ truyền thống và khu vực nông thôn.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, BSA đã chụp lại một cách trung thực toàn bộ mạng lưới phân phối của Đồng Nai. Từ đó, bản đồ phân phối chỉ ra khá nhiều vấn đề mang đặc trưng chung của hệ thống phân phối và liên quan đặc biệt đến hàng Việt. Ngay cả những DN hàng Việt chất lượng cao cũng chưa theo sát được thay đổi rất nhanh cấu trúc của chợ truyền thống. Nhiều DN vẫn giữ quan điểm không muốn hàng hóa của mình thành “hàng chợ”. Nhưng trên thực tế, bây giờ hàng vào chợ không còn dễ nữa, nhất là với DN vừa và nhỏ. Hiện chỉ một số thương hiệu lớn, như: Vinamilk, Vissan… trụ vững tại chợ, còn lại đa phần hàng hóa đều là của các công ty đa quốc gia. Thời gian tới, xu hướng hoạt động chuyên doanh sẽ phát triển sẽ càng khó khăn cho hàng Việt. Từ những dữ liệu của bản đồ phân phối, DN có thể vạch ra chiến lược lâu dài trong phát triển thị trường nhưng phải mạnh dạn đầu tư để theo đuổi đến cùng chiến lược đó. Như vậy, bản đồ phân phối mới phát huy hết tác dụng. |
Bình Nguyên