Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu chưa hết khó

10:01, 23/01/2013

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2013 kinh tế thế giới còn nhiều thách thức và nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay chưa hết khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang vật lộn với tình trạng “ăn đong” đơn hàng từng tháng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2013 kinh tế thế giới còn nhiều thách thức và nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay chưa hết khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang vật lộn với tình trạng “ăn đong” đơn hàng từng tháng.

Chị Nguyễn Thu Phương, Phó giám đốc Công ty chế biến gỗ Quyết Thành ở huyện Trảng Bom cho biết, sau một năm rời bỏ thi trường châu Âu, đến nay DN vẫn chưa thể quay lại được, do sức tiêu thụ hàng vẫn rất chậm.

* Gỗ, hàng mỹ nghệ sụt giảm

Năm 2012, Quyết Thành  mặc dù có hai thị trường Nga và Hàn Quốc là cứu cánh nhưng doanh thu xuất khẩu vẫn giảm đáng kể. “Trước đây, kim ngạch xuất khẩu của DN đạt từ 13-15 tỷ đồng/năm, nhưng năm 2012 chỉ đạt 10 tỷ.  Năm nay, kế hoạch của DN vẫn không đặt nhiều vào việc tăng doanh thu mà chỉ cố gắng duy trì sản xuất để tạo việc làm cho công nhân” - chị Phương nói. Nhiều DN làm hàng gỗ xuất khẩu khác cũng cho rằng, năm 2013 các thị trường Mỹ và châu Âu vẫn chưa cải thiện được sức mua. Ở các thị trường, như: Nhật Bản, Hàn Quốc thì sức tiêu thụ không lớn, trong khi nhiều DN của Việt Nam và Trung Quốc cũng đang đổ dồn về đây, do đó cạnh tranh khá quyết liệt về mọi mặt.

Sản xuất đồ gốm tại Doanh nghiệp tư nhân Phát Thành. Ảnh: V. Nam
Sản xuất đồ gốm tại Doanh nghiệp tư nhân Phát Thành. Ảnh: V. Nam

Tương tự như gỗ xuất khẩu, mặt hàng mây, tre đan cũng được nhận định là không mấy dễ dàng trong năm 2013. Chị Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Hoàng Diệu (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất hàng đan lát bằng lục bình, mây tre xuất khẩu cho hay, năm 2012 công ty chỉ đạt được 80% doanh thu so với kế hoạch. Hiện tại thị trường xuất khẩu chính của DN vẫn là Đức. Suốt năm 2012, DN đã cố gắng tiếp cận một số thị trường mới như Mỹ và Nam Mỹ nhưng không thành công. Đến nay, đơn hàng sản xuất của Hoàng Diệu cũng ở tình trạng “ăn đong” từng tháng. “Mới đây, một DN của Thái Lan đã liên lạc với công ty để đặt một số sản phẩm nhưng đơn hàng rất nhỏ. Chủ yếu là các bình bông bằng dây nhựa để phục vụ cho du lịch” - chị Mai nói.

* Chưa có lối ra

Một trong những ngành hàng còn phải “gồng” mình trong năm 2013 nữa là sản xuất gốm xuất khẩu. Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, hiện tại chỉ còn vài DN gốm quy mô lớn đang hoạt động khá cầm chừng. Các lò gốm nhỏ sản xuất gia công trong tình trạng lúc có hàng, lúc không. 

Ông Nguyễn Hữu Tấn, chủ DN tư nhân gốm Phát Thành (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, năm 2012, lượng đơn hàng chỉ bằng 30% so với năm 2011 và năm nay, ông cũng không hy vọng nhiều. Lò gốm của ông Tấn hiện đang làm hàng gia công cho các DN gốm ở tỉnh Bình Dương. Trước đây, khoảng 3 ngày là DN cho ra là một mẻ gốm, nhưng hiện nay một tuần mới được một mẻ.

Tương tự nghề gốm, sản phẩm tôn mỹ nghệ xuất khẩu cũng không mấy khả quan. Chủ một DN sản xuất mặt hàng này ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) xuất khẩu sang châu Âu cũng thừa nhận, việc sản xuất sẽ còn khó khăn do kinh tế châu Âu chưa hồi phục. “Sản phẩm tôn mỹ nghệ rất kén thị trường, hầu như chỉ các nước châu Âu sử dụng nên muốn mở rộng thị trường cũng khó” - Giám đốc DN này nói. 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ: “Trong năm nay, những ngành hàng xuất khẩu không nằm trong nhóm ngành hàng thiết yếu vẫn còn khó khăn. Thuận lợi nhất là hàng nông sản, sau đó là ngành dệt may”.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều