Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch vùng thiếu “nhạc trưởng”

08:01, 20/01/2013

Đây là vấn đề mà hầu hết các tỉnh, thành nằm trong Quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh nhắc đến. Chính vì thiếu “nhạc trưởng” nên công tác phối hợp thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn.

Đây là vấn đề mà hầu hết các tỉnh, thành nằm trong Quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh nhắc đến. Chính vì thiếu “nhạc trưởng” nên công tác phối hợp thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn.

Quy hoạch vùng (QHV) TP. Hồ Chí Minh gồm 6 tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và 2 tỉnh miền Tây là: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Mục đích quy hoạch vùng nhằm phát huy tiềm năng của vùng, hướng tới một đô thị phát triển ngang tầm các nước trong khu vực.

* Liên kết còn yếu

Ngày 20-5-2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt QHV TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là vùng kinh tế phát triển nhất Việt Nam, có dân số đông và dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như nhiều yếu tố xã hội khác. Trong đó, riêng 6 tỉnh thành vùng Đông Nam bộ phấn đấu trong giai đoạn 2011-2020 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,5-10%/năm. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.600 USD và năm 2020 đạt 6.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 97- 98% trong tổng số GDP của toàn vùng vào năm 2020… Sau hơn 4 năm thực hiện QHV, mạng lưới đô thị tuy đã bắt đầu hình thành theo định hướng không gian đô thị toàn vùng, nhưng vai trò, chức năng của các đô thị trong vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nghề gốm truyền thống ở Đồng Nai nếu kết nối vùng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất gốm Phát Thành ở phường Tân Vạn (TP. Biên Hòa).
Nghề gốm truyền thống ở Đồng Nai nếu kết nối vùng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất gốm Phát Thành ở phường Tân Vạn (TP. Biên Hòa).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh thừa nhận: “Liên kết vùng còn yếu dẫn đến các công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa đầu tư đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu. Các chương trình phát triển nhà ở tại đô thị trong vùng còn thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch-kế hoạch, xảy ra tình trạng mất cân đối cung, cầu gây lãng phí trong sử dụng quỹ đất đô thị. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng tại khu vực nông thôn chưa tập trung đúng mức khiến phát triển thiếu cân bằng, bền vững”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái khẳng định: “Thời gian qua, QHV chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra là do thiếu sự chỉ đạo xuyên suốt nên công tác phối hợp thực hiện gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Đồng Nai hy vọng tới đây, Chính phủ sẽ có chỉ đạo xuyên suốt trong vùng, tạo ra sự kết nối để các tỉnh, thành triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội được tốt hơn”.

* Giải pháp cho vùng

Theo Cục Phát triển đô thị (thuộc Bộ Xây dựng), để QHV triển khai mang lại hiệu quả, các tỉnh nên rà soát quy hoạch hệ thống đô thị trên toàn tỉnh phù hợp với QHV. Đặc biệt, cần nghiên cứu lồng ghép các vấn đề của biến đổi khí hậu vào định hướng phát triển quy hoạch. Ngoài ra, xây dựng khung hành lang pháp lý, chính sách chương trình hành động cho toàn vùng. Lập quy hoạch và dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung toàn vùng.

Sản xuất gỗ tại Xí nghiệp chế biến gỗ Long Bình ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: H. Giang
Sản xuất gỗ tại Xí nghiệp chế biến gỗ Long Bình ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: H. Giang

Ông Nguyễn Lập, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề xuất: “Muốn QHV TP. Hồ Chí Minh thực hiện một cách đồng bộ, phát triển bền vững thì Ban chỉ đạo điều phối vùng cần có đủ thẩm quyền đề xuất những cơ chế, chính sách trình Chính phủ phê duyệt. Như vậy, có cơ sở huy động nguồn lực thực hiện QHV hợp lý và hiệu quả”.

Đa  số các tỉnh, thành đều nhận định, QHV hiện nay còn thiếu một “nhạc trưởng” để điều phối tổng quan mọi quy hoạch của các tỉnh, thành. Điều này khiến cấu trúc phát triển không gian vùng chưa hình thành theo đúng định hướng trong quy hoạch được phê duyệt. Các vùng cảnh quan, sinh thái, du lịch, nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên chưa được quản lý, đầu tư khai thác.

Quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh gồm 8 tỉnh, thành với diện tích đất đai trên 30.400 km2, dân số hơn 15 triệu người. Mục tiêu của QHV nhằm tạo ra trung tâm kinh tế hàng đầu quốc gia kết nối với các vùng quốc gia và quốc tế. Trong đó, xây dựng các trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ cao cấp tầm khu vực và quốc tế trong bán kính 30km, lấy TP. Hồ Chí Minh làm trung tâm. Xây dựng hệ thống đô thị toàn vùng, liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị, phát triển các vùng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tập trung chuyên môn hóa. Hình thành các trục hành lang kinh tế công nghiệp - dịch vụ, tạo điều kiện cho các tỉnh trong vùng phát triển nhanh và bền vững.

Ông Trịnh Ngọc Phương, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, nói: “Ban chỉ đạo các tỉnh trong vùng TP. Hồ Chí Minh khi triển khai quy hoạch nông thôn mới nên bám sát vào QHV đã được phê duyệt, nhất là định hướng phát triển các điểm dân cư nông thôn. Khi thực hiện phải đảm bảo kết nối khép kín trong quy hoạch, nếu không có sự đồng nhất, quy hoạch sẽ bị phá vỡ ngay trong quá trình xây dựng”.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, thời gian tới cần nghiên cứu mô hình quản lý và điều phối phát triển vùng của các bộ ngành, địa phương. Qua đó, sẽ chỉ đạo và giải quyết những vấn đề mang tính chất liên vùng từ công tác quy hoạch, lập quy hoạch và triển khai các dự án cấp vùng để xúc tiến thu hút đầu tư.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều