Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp tìm đường “vượt sóng”

09:01, 02/01/2013

Năm 2012, ngành nông nghiệp Đồng Nai phải trải qua hàng loạt khó khăn như: dịch bệnh, vật tư đầu vào tăng, nhưng vẫn “về đích” với mức tăng trưởng 3,8% so với năm 2011. Theo dự báo năm 2013, nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro.

Năm 2012, ngành nông nghiệp Đồng Nai phải trải qua hàng loạt khó khăn như: dịch bệnh, vật tư đầu vào tăng, nhưng vẫn “về đích” với mức tăng trưởng 3,8% so với năm 2011. Theo dự báo năm 2013, nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro.

Ba “cơn sóng” lớn mà ngành nông nghiệp phải gánh chịu trong năm 2012 là nông sản giảm giá, dịch bệnh tăng và cơn bão số 1 gây thiệt hại cho nông nghiệp trên 1 ngàn tỷ đồng.

* Tự tìm giải pháp

Trong năm 2012, cả chăn nuôi lẫn trồng trọt đều trải qua không ít khó khăn. Trong khi giá các loại vật tư đầu vào, công thợ tăng từ 10-20% thì giá bán nông sản, thực phẩm lại giảm so với năm 2011. Để vượt qua những khó khăn, duy trì sản xuất và có lãi, nhiều nông dân đã tự tìm giải pháp để cứu mình. Ông Trần Quang, Chủ nhiệm Liên hiệp Câu lạc bộ (CLB) Xuân Tiến ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) nói: “Năm nay, thiên thời địa lợi đều không đến với ngành chăn nuôi, trồng trọt. Giá lúa, bắp giảm gần 1 ngàn đồng/kg so với năm 2011, còn giá vật tư đầu vào, như: giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công thợ đều tăng 10-20%. Để sản xuất có lãi, các thành viên trong CLB đã đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào canh tác và áp dụng kỹ thuật đẩy năng suất tăng, vẫn thu lãi 16-20 triệu đồng/hécta/vụ”.

Ông Huỳnh Văn Hưng ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang  (TX. Long Khánh) ứng dụng khoa học sản xuất ổi sạch . Ảnh: H.Giang
Ông Huỳnh Văn Hưng ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang (TX. Long Khánh) ứng dụng khoa học sản xuất ổi sạch . Ảnh: H.Giang

Ông Nguyễn Bá Cao ở ấp 2, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) kể: “Năm nay giá lúa thấp, giá vật tư lại cao nên những hộ sản xuất theo cách truyền thống chỉ lãi 7-8 triệu đồng/hécta/vụ. Còn tôi nhờ tham gia cánh đồng chất lượng cao và canh tác theo quy trình lúa an toàn, giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên lợi nhuận đạt 14-15 triệu đồng/hécta/vụ”.

Ông Võ Hữu Thời, chủ trang trại tổng hợp ở xã Lộc An (huyện Long Thành), chia sẻ: “Trang trại tôi nuôi heo, tận dụng nguồn phân thải để nuôi cá và bón cho cây cao su. Năm nay, giá heo, cá, cao su đều rớt thê thảm nên tôi phải đầu tư thêm một số máy móc giảm bớt công thợ, cắt bớt những đầu tư không cần thiết để hạ chi phí đầu vào nên mới duy trì được trại heo. Cũng may giá heo, cá hiện đã tăng trở lại nên tôi có thể thu hồi vốn”.

* Nhiều thách thức

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thương mại và giá cả hàng nông sản trên thị trường thế giới có xu hướng tiếp tục giảm trong năm tới. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu suy giảm. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, biến động của thị trường làm dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ khó lường tác động mạnh đến nông nghiệp.

Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, để sản xuất có lãi, nông dân nên chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, áp dụng kỹ thuật để đẩy cao năng suất, giảm chi phí đầu vào. Đối với vật nuôi, nông dân áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan trên đàn gia súc, gia cầm.

Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, thời tiết trong năm 2013 sẽ khắc nghiệt hơn. Cụ thể, mùa khô sẽ nắng nóng và ít mưa, còn trong mùa mưa, bão, áp thấp nhiều với cấp độ mạnh lên, hướng đi khó dự báo. Những bất thường của thời tiết sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: “Để tháo gỡ bớt khó khăn cho nông nghiệp trong năm 2013, tỉnh tiếp tục triển khai các dự án cây - con chủ lực, rau quả an toàn, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và tạo liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các địa phương lập quy hoạch cấp huyện kết nối quy hoạch theo vùng nhằm tạo ra các vùng chuyên canh các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh có thể xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước”. 

Mặc dù năm 2013 dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh dự tính phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt gần 8.900 tỷ đồng, tăng gần 3,6% so với năm 2012.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều