Anh Trần Đình Kiền ở ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) được khá nhiều người trong ngành sản xuất gỗ ở Đồng Nai biết đến. Vì anh đã tự mình nghiên cứu, sáng tạo ra các loại dao dùng trong sản xuất đồ mộc gia dụng.
Anh Trần Đình Kiền ở ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) được khá nhiều người trong ngành sản xuất gỗ ở Đồng Nai biết đến. Vì anh đã tự mình nghiên cứu, sáng tạo ra các loại dao dùng trong sản xuất đồ mộc gia dụng.
Anh Trần Đình Kiền giới thiệu các loại dao đã sáng chế. |
Trước đây, những công ty, cơ sở làm đồ mộc gia dụng ở Đồng Nai thường phải đặt từ những công ty nước ngoài hoặc nhập khẩu các loại dao để lắp ráp vào máy sử dụng. Gần 2 năm nay, họ đã tìm được nơi sản xuất ngay trong tỉnh với giá chỉ bằng 70-80% so với dao nhập khẩu hoặc đặt hàng từ công ty nước ngoài.
* Mơ ước thành hiện thực
Chúng tôi đến thăm anh Kiền vào một ngày cuối năm 2012. Vào thời điểm đó, công ty anh đang nhận được nhiều đơn đặt hàng làm dao nên vừa tiếp chúng tôi anh vừa chỉ bảo thêm cho anh em thợ cách thức làm các mẫu dao mới. Trong tiếng máy ồn ào, anh kể về cuộc đời mình với những ước mơ từ thời sinh viên. Năm 1990, anh rời quê từ Hà Nam vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Sau một thời gian bươn chải, anh nhận ra rằng muốn làm được một việc gì đó thật tốt thì phải có kiến thức. Vậy là những ngày tiếp đó, anh miệt mài ôn thi và năm 1993, anh Kiền đậu vào Trường đại học bách khoa TP. Hồ Chí Minh.
Ra trường anh Kiền về làm cho một công ty nước ngoài, chuyên sản xuất các loại dao phục vụ cho công nghệ chế biến gỗ. Những năm đó, ngành gỗ trong nước phát triển mạnh, nhưng hầu hết các công ty, cơ sở chế biến gỗ phải đặt hàng, nhập khẩu các loại dao với giá rất cao. Điều này khiến anh nhem nhóm ý nghĩ sẽ mở một công ty riêng chuyên chế tạo các loại dao với giá thành hạ, chất lượng tốt. Và ước mơ đó của anh phải đến năm 2011 mới trở thành hiện thực.
* Hứa hẹn những thành công
Mảnh đất nơi anh Kiền chọn để lập nghiệp là xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom). Chỉ sau một thời gian ngắn thành lập Công ty CK. Hoàn Hảo, anh Kiền đã thu hút được số lượng đơn vị đến đặt hàng khá đông. Hiện công ty của anh nhận cung cấp dao cho hơn khoảng 70 doanh nghiệp sản xuất gỗ của Việt Nam và nước ngoài. Anh Kiền cho biết: “Hiện nay, Đồng Nai và Bình Dương có cả ngàn doanh nghiệp chế biến đồ gỗ gia dụng nên thị trường của tôi còn khá lớn. Mục tiêu của tôi là giá thành hạ, chất lượng tốt để thu hút các doanh nghiệp gỗ đến với mình”.
Khách hàng đến với anh Kiền chỉ cần đưa hình ảnh chụp mẫu sản phẩm, anh Kiền sẽ tự nghiên cứu, chế tạo các loại dao phù hợp. Nguyên liệu để sản xuất các loại dao dùng cho sản xuất đồ gỗ gia dụng phần lớn phải nhập khẩu, nhưng giá bán các sản phẩm của anh thường rẻ hơn các công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu từ 20-30%. Theo đánh giá của một số công ty chuyên đặt hàng từ cơ sở của anh Kiền, chất lượng dao anh làm ra không thua kém các loại dao nhập khẩu. Đồng thời, các loại dao anh làm ra khi lắp ráp vào máy để sản xuất rất phù hợp, hiếm khi phải điều chỉnh lại.
Khó khăn của nghề làm dao phục vụ cho sản xuất đồ gỗ gia dụng là có những đơn đặt hàng chỉ một vài chiếc. Nhưng mỗi loại dao khác nhau rất nhiều nên đòi hỏi nhà sản xuất mất rất nhiều công nghiên cứu, chế tạo. “Trong điều kiện ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn, việc hạ giá thành các thiết bị phục vụ cho sản xuất sẽ được nhiều doanh nghiệp tính đến. Do đó, tôi cũng muốn góp một chút sức cho ngành gỗ và để tránh tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp nước ngoài đang sản xuất dao tại Việt Nam” - anh Kiền chia sẻ.
Khánh Minh