Báo Đồng Nai điện tử
En

Miến tết đủng đỉnh vào mùa

07:01, 07/01/2013

Không khí sản xuất, kinh doanh mặt hàng miến tết năm nay có phần khác với mọi năm. Người sản xuất không quá tất bật hối hả, nhà bán lẻ thì đắn đo trước một thị trường không mấy sôi động. Trong khi đó, thông thường nghề làm miến chỉ sôi nổi nhất trong 3 tháng (2 tháng trước và 1 tháng sau tết).

Không khí sản xuất, kinh doanh mặt hàng miến tết năm nay có phần khác với mọi năm. Người sản xuất không quá tất bật hối hả, nhà bán lẻ thì đắn đo trước một thị trường không mấy sôi động. Trong khi đó, thông thường nghề làm miến chỉ sôi nổi nhất trong 3 tháng (2 tháng trước và 1 tháng sau tết).

Đến làng miến Tân Biên, TP.Biên Hòa thời điểm này, có thể thấy tình hình sản xuất và kinh doanh miến tết vẫn chưa thực sự “nóng”.

Miến Tân Biên “tuột dốc”

Nơi làm miến lớn nhất của Đồng Nai là phường Tân Biên. Thời kỳ cao điểm, mỗi ngày nơi đây cung cấp cho thị trường cả chục tấn miến dong. Thị trường miến của Tân Biên trải dài từ miền Trung xuống tới các tỉnh miền Tây Nam bộ, thậm chí sang cả Campuchia.

Công nhân đang sản xuất miến tại lò miến của anh Thịnh.  Ảnh: V.NAM
Công nhân đang sản xuất miến tại lò miến của anh Thịnh. Ảnh: V.NAM

Những năm “hoàng kim”, ở đây phên miến phơi dọc ngang khắp nơi, cả trên những mái nhà. Mấy năm gần đây, làng miến Tân Biên sụt giảm đáng kể. Ông Phạm Văn Hiến, cán bộ thống kê phường Tân  Biên cho biết, 5 năm trước trên địa bàn phường có 46 hộ sản xuất miến nhưng hiện nay chỉ còn 5 hộ làm miến nằm rải rác ở 3 khu phố là: 2, 7 và 9. Đa số các hộ ở đây hiện chuyển sang làm miến theo phương thức gia công cho các mối kinh doanh để đỡ bị áp lực vốn và đặc biệt là thị trường tiêu thụ.

Theo các chủ lò miến ở đây, nguyên nhân nghề này đang bị mai một là do thị trường miến nơi đây bị cạnh tranh khốc liệt với miến từ các tỉnh ngoài Bắc tràn vào và miến của các công ty lớn sản xuất. Anh Thịnh, chủ một lò miến hoạt động từ năm 1977 đến nay, chia sẻ: “Nghề làm miến ở đây bây giờ còn ít người theo,  lý do lớn nhất vẫn là không tiêu thụ được hàng, chỉ những hộ có mối hàng tốt mới trụ nổi”. Miến tại lò của anh Thịnh sản xuất chủ yếu được đưa ra các tỉnh miền Trung tiêu thụ. Hiện mỗi tuần anh Thịnh sản xuất khoảng 4 tấn hàng. Theo ước tính, thời điểm hiện tại mỗi ngày các lò miến ở đây cung cấp cho thị trường từ 2,5 - 3 tấn miến. 

Chậm vào mùa

Anh Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Hòa Bình (phường Tân Biên) chuyên sản xuất miến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước cho biết, thông thường bắt đầu từ Tết Dương lịch trở đi là doanh nghiệp (DN) phải triển khai gấp việc sản xuất hàng tết, bởi sản lượng hàng cho tết tăng gấp 4-5 lần ngày thường. Tuy nhiên, năm 2012 có tháng nhuận nên Tết 2013 đến trễ hơn 1 tháng, vì vậy DN đỡ áp lực về thời gian hơn. Theo anh Khỏe, thị trường miến tết năm nay sức mua có thể chỉ bằng hoặc ít hơn so với tết năm ngoái, chính vì vậy giá miến cũng không có nhiều biến động. Cùng quan điểm này, anh Phạm Ngọc Thắng, chủ một lò miến ở Tân Biên và cũng là người trực tiếp kinh doanh miến cho rằng, sức tiêu thụ miến dịp tết năm nay sẽ không mạnh. Anh Thắng nói: “Khoảng 2 tuần nữa thì sức tiêu thụ miến tết mới thấy rõ, nhưng do kinh tế khó khăn nên lượng hàng bán ra không được mạnh. Hiện miến tiêu thụ trên thị trường cũng chậm hơn so với mọi năm khá nhiều”. Trung bình hiện nay, mỗi ngày lò miến của anh Thắng cung cấp cho thị trường khoảng 300kg sản phẩm, dự kiến vào dịp cao điểm Tết sức sản xuất cũng chỉ tăng lên khoảng 600 kg/ngày. Tết 2013 đến chậm, một số lò sản xuất cũng như thương lái kinh doanh miến có điều kiện dự trữ hàng tốt hơn, nhưng cũng đầy đắn đo, bởi thị trường tiêu thụ sụt giảm.

Vân Nam

 

 

Tin xem nhiều