Ban đầu, ông Nguyễn Sỹ Tâm cũng như nhiều người khác ở xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc chỉ trồng một vài giò lan treo trước hiên nhà cho đẹp. Đến năm 2010, do nắm bắt được nhu cầu chơi hoa lan ở địa phương tăng cao, ông Tâm quyết định mua 4 ngàn giò hoa lan giống (denro) từ Thái Lan về trồng kinh doanh.
Ban đầu, ông Nguyễn Sỹ Tâm cũng như nhiều người khác ở xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc chỉ trồng một vài giò lan treo trước hiên nhà cho đẹp. Đến năm 2010, do nắm bắt được nhu cầu chơi hoa lan ở địa phương tăng cao, ông Tâm quyết định mua 4 ngàn giò hoa lan giống (denro) từ Thái Lan về trồng kinh doanh.
Ông Nguyễn Sỹ Tâm trong vườn lan. |
Ông Tâm cho biết, lan ở vào giai đoạn 2 tháng tuổi phát triển rất tốt, thân to, lá xanh mơn mởn nên ông cứ nghĩ giống hoa lan thuần cũng có sức sống như hoa lan rừng nên không chú ý đến việc phòng trừ nấm bệnh. Thế nhưng chỉ qua vài trận mưa, vườn lan bắt đầu đổi sắc, trên lá xuất hiện nhiều đốm đen, một thời gian sau thì vàng úa rồi chết rụi. Mặc dù đã phun xịt nhiều loại thuốc trị bệnh nhưng vườn lan vẫn không cải thiện. Ông Tâm đã mang vài giò lan lên Trung tâm sinh học tại TP. Hồ Chí Minh để xác định nguyên nhân gây bệnh, đồng thời tìm đến các hộ trồng lan ở huyện Củ Chi để học hỏi cách chữa trị, chăm sóc. Nhờ gặp thầy, gặp thuốc mà vườn lan nhà anh đã được cứu sống.
Ông Tâm chia sẻ, lan dễ mắc bệnh nhất vào mùa mưa vì độ ẩm cao, đặc biệt là giống hoa lan denro, hay vũ nữ… Để khắc phục tình trạng này, cần bố trí vườn lan thật thoáng mát, thường xuyên phun xịt thuốc phòng bệnh. Đồng thời ông cho rằng nên sử dụng giá thể (vật bám của cây lan) bằng than thay cho các giá thể bằng xơ dừa, bột mùn khác. Bởi lẽ, than có khả năng thoát nước nhanh, độ ẩm duy trì vừa phải nên các loại nấm bệnh không có điều kiện phát triển. Trong trường hợp vườn lan bị nhiễm bệnh thì việc trước tiên là cần vặt hết các lá già, lá nhiễm bệnh mang đi tiêu hủy, sau đó mới tiến hành phun xịt các loại thuốc đặc trị thì mới có hiệu quả.
Sau khi đã nắm bắt được kỹ thuật cũng như tích lũy được một số vốn kha khá, một năm sau, ông Tâm mạnh dạn đầu tư thêm 6 ngàn giò lan nữa để có đủ hàng cung cấp cho thị trường. Nhờ được chăm bón tốt nên vườn lan nhà ông Tâm cho hoa quanh năm, mỗi thân cho ra từ 2-3 đọt hoa, mỗi chuỗi hoa có từ 8-12 bông. Với giá bán 700 đồng/hoa chỉ cần thu hoạch một thân là anh đã lấy đủ vốn đầu tư cho một giò lan. Được biết, sau mỗi đợt thu hoạch, nếu cây được bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết thì sẽ tiếp tục đâm chồi. Trong vòng 4 năm, mỗi giò lan có thể đâm ra từ 15-20 chồi tùy theo cách chăm sóc.
Ông Tâm khoe với chúng tôi với 10 ngàn giò lan, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông cũng kiếm ngót nghét 500 triệu đồng. Sắp tới, ông tiếp tục đầu tư trồng thêm 10 ngàn giò lan nữa, đồng thời mở rộng thị trường sang các địa phương khác.
Hải Đình