Thời gian gần đây, mô hình tưới tiết kiệm (TTK) được bà con nông dân ở huyện Xuân Lộc áp dụng rộng rãi. Qua đánh giá thực tế, mô hình này không chỉ là giải pháp chống hạn hiệu quả mà còn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất.
Thời gian gần đây, mô hình tưới tiết kiệm (TTK) được bà con nông dân ở huyện Xuân Lộc áp dụng rộng rãi. Qua đánh giá thực tế, mô hình này không chỉ là giải pháp chống hạn hiệu quả mà còn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất.
Nhìn vườn xoài được xử lý cho ra trái trái vụ của mình đang trong thời kỳ nuôi trái, sẽ thu hoạch bán vào dịp Tết Nguyên đán 2013, ông Hoàng Viết Bài ở ấp 6, xã Xuân Tâm, tỏ ra rất phấn khởi.
* Lợi nhiều
Trước đây, để tưới cho một hécta xoài, ông Bài phải mất 5 ngày và tốn vài triệu đồng tiền dầu, điện. Với giá dầu, điện như hiện nay, chi phí còn đội lên 15-20%. Thế nhưng, từ khi áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, ông không những rút ngắn được thời gian, công sức mà chi phí đầu tư cũng giảm 50%, nhờ vậy hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5-2 lần so với trước.
Anh Hoàng Khắc Định (trái), ở xã Xuân Tâm, trong vườn xoài lắp đặt tưới tiết kiệm sản xuất vụ nghịch bán tết. Ảnh: N.Hoàng |
Theo tính toán của ông Bài, khi dùng phương pháp tưới tràn, vườn xoài nhà ông mỗi lần tưới phải thuê 4-5 nhân công, tốn khoảng 15 lít dầu chạy máy bơm. Từ khi chuyển sang dùng hệ thống TTK, không những năng suất cây xoài tăng cao mà còn tiết giảm 2/3 số lượng nhân công và gần 50% lượng nước tưới. Ngoài ra, đối với những gốc xoài ở vùng đồi dốc, nếu làm bồn sâu sẽ làm đứt rễ xoài, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây, còn khi đào cạn thì không giữ được lượng nước cần tưới. Còn với hệ thống TTK, người dân không cần phải làm bồn mà vẫn tiết kiệm được 30-40% lượng nước và phân bón.
Anh Hoàng Khắc Định, con trai ông Bài, người trực tiếp chăm sóc vườn xoài cũng khẳng định, áp dụng hệ thống TTK ngoài việc tiết kiệm được nhân công, nước tưới, nhiên liệu tiêu hao cũng ít hơn từ 30 - 40%. Ngoài ra, cây trồng cũng ít dịch bệnh và năng suất tăng gấp 2 lần so với tưới tràn do hệ thống TTK thay thế 2/3 lượng phân hóa học bằng phân vi sinh và được bón ngay đầu mùa mưa. Lượng phân hóa học còn lại chia nhỏ ra thành nhiều lần, cứ 20 ngày bón phân một lần và nhờ hệ thống TTK giúp cây luôn có đủ lượng phân bón cần thiết để phát triển. Từ khi đầu tư hệ thống TTK, gia đình ông Bài còn mạnh dạn xử lý cho xoài ra trái vụ để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán nên bán được giá cao gần gấp đôi so với chính vụ.
* Cứu cánh của nông dân
Có thể nói, trước tình trạng giá vật tư nông nghiệp, giá điện, xăng dầu tăng cao, phương pháp TTK và bón phân qua đường ống đang thực sự trở thành “cứu cánh” cho nông dân. Chi phí lắp đặt hệ thống TTK và bón phân qua đường ống tốn khoảng 15 - 17 triệu đồng/hécta, tùy chất liệu của bồn đựng nước, đường ống dẫn nước và mật độ cây trồng. Tuy mức đầu tư ban đầu khá cao, nhưng hệ thống này sử dụng được 6-7 năm, nên chỉ cần 1-2 vụ bội thu và giá nông sản ở mức cao là nông dân có thể thu hồi tiền vốn đầu tư.
Nhận thấy mô hình TTK mang lại hiệu quả, nhiều nông dân Xuân Lộc đã đua nhau lắp đặt hệ thống TTK cho vườn cây như ở các vùng cây ăn trái: Xuân Định, Bảo Hòa; khu vực trồng tiêu ở Xuân Thọ, Suối Cao và vùng trồng xoài ở những địa phương như: Xuân Tâm, Xuân Hưng.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đã có gần 1.400 hécta cây trồng lắp đặt hệ thống TTK và bón phân qua đường ống. Hệ thống này đa số được lắp đặt cho các cây lâu năm và cây ăn trái, như: tiêu, xoài, bưởi, cà phê, sầu riêng... Ngoài ra, nhiều nông dân còn áp dụng hệ thống TTK lắp đặt thêm một số đường ống làm giàn tưới phun cho rau, bưởi. Kết quả chỉ sau một năm bỏ vốn đầu tư, các hộ đã thu hồi vốn và có lời nhiều. Đặc biệt, trong điều kiện thiếu lao động nông nghiệp như hiện nay, TTK là giải pháp tốt nhất. Ngoài ra, do hạn hán ngày một khắc nghiệt nên việc lắp đặt hệ thống TTK giúp nông dân tiết kiệm được từ 30 - 50% lượng nước tưới.
Ngọc Hoàng