Từ nhà hàng, quán ăn cho đến những điểm bán quà vặt, các loại gia vị, như: ớt xay, tương ớt, tương đen… đều được thực khách sử dụng hàng ngày. Ăn theo đó, dịch vụ sơ chế gia vị và thị trường tương ớt, tương đen phát triển nhanh, nhất là những dòng sản phẩm giá bèo, rất đáng ngờ về chất lượng.
Từ nhà hàng, quán ăn cho đến những điểm bán quà vặt, các loại gia vị, như: ớt xay, tương ớt, tương đen… đều được thực khách sử dụng hàng ngày. Ăn theo đó, dịch vụ sơ chế gia vị và thị trường tương ớt, tương đen phát triển nhanh, nhất là những dòng sản phẩm giá bèo, rất đáng ngờ về chất lượng.
Một điểm bỏ mối tương ớt tại chợ Sặt (TP. Biên Hòa). Người bán đang đổ tương từ bịch ny-lông vào bình đựng có nhãn mác. Ảnh: B. Nguyên |
Bà V., đầu bếp một quán ăn tại TP. Biên Hòa, chuyên nhận làm tương ớt gia công theo đơn đặt hàng của khách cho biết, nguyên liệu chế biến tương ớt, gồm: ớt tươi, tỏi, đường, muối… nên 1 lít tương ớt bà bán khoảng 60 ngàn đồng; loại tương ớt siêu cay giá lên đến 100 ngàn đồng/lít. Bí quyết để sản xuất ra loại tương ớt vài ngàn đồng/lít là sử dụng phẩm màu công nghiệp, hương liệu và các loại chất phụ gia thay thế cho nguyên liệu tự nhiên.
* Từ ớt xay mất vệ sinh…
Nhu cầu mua ớt xay sơ chế sẵn ngày càng tăng nên tại các chợ, nhiều tiểu thương chuyên cung cấp mặt hàng này. Quan sát các điểm bán gia vị sơ chế sẵn trong các chợ: Tam Hòa, Trảng Dài… có thể thấy, đa số các điểm này đều xay hành, tỏi, ớt ngay tại nơi bán và thường bỏ qua công đoạn rửa sạch. Nhiều nơi tận dụng cả ớt hư để xay chung nên tùy vào chất lượng, loại ớt mà ớt thành phẩm có nhiều mức giá, từ 20-30 ngàn/kg, trong khi giá ớt tươi bán lẻ đã lên đến 50 ngàn đồng/kg.
Chủ một điểm bán gia vị xay tại chợ Hóa An (TP. Biên Hòa) cho biết, khoảng 2 giờ 30 là bà đã có mặt tại sạp ở chợ để xay ớt bỏ mối cho các hàng ăn. Hành, tỏi, ớt được chở thẳng từ chợ đầu mối về đây, người bán chỉ làm công đoạn bỏ vào máy xay rồi đóng bịch nên một mình bà mỗi ngày có thể xay vài chục kg gia vị giao cho khách. Ớt xay thường để thực khách nêm nếm vào tô thức ăn mà không cần qua khâu xử lý nào khác.
Quan sát cho thấy, môi trường vệ sinh tại nhiều điểm làm ớt, hành, tỏi xay trong nhiều chợ khá nhếch nhác. Các dụng cụ từ máy xay đến thùng đựng đều đóng lớp những vết cáu bẩn do mảng bám sau một thời gian dài sử dụng mà không được vệ sinh. Các loại dụng cụ này sau chế biến được để nguyên trên nền đất ở một góc sạp chợ không hề được che đậy. Nhiều thùng ớt thành phẩm phơi cả ngày trong không khí, bị ướp trong lớp bụi đất vì nơi bán nằm ngay mặt đường đông đúc xe cộ và người đi chợ qua lại.
*… Đến tương ớt siêu rẻ
Tại nhiều tiệm tạp hóa trong các chợ lớn nhỏ ở TP. Biên Hòa, như: chợ Sặt, Biên Hòa, Tam Hòa, Trảng Dài, Hóa An, Long Bình… hỏi mua các loại tương ớt, tương đen để bán quán ăn, tiểu thương lập tức giới thiệu hàng loạt nhãn hàng xuất xứ từ những cơ sở nhỏ lẻ không mấy ai biết tiếng, như: T.L, T.N, T.P… với giá chỉ từ 25-35 ngàn đồng/bình 5 lít, tức chỉ từ 5-6 ngàn đồng/lít tương. Trong khi đó, tương ớt của các nhà sản xuất lớn như Massan, Thuận Phát… giá đã từ 8-12 ngàn đồng/200ml.
Ớt xay được trữ trong những thùng nhựa mất vệ sinh để bán dần cho khách. Ảnh: B.Nguyên |
Tương ớt giá siêu rẻ còn được đóng vào những vỏ chai dầu ăn hoặc can nhựa không hề được niêm phong. Nhãn mác cũng chỉ được dán lỏng lẻo trên vỏ bình bằng một lớp băng keo, có nhiều can đựng tương chưa kịp dán nhãn nhưng người bán khẳng định đây là cùng một lô hàng. Và nếu khách lấy mối đổi trả bình đựng tương sẽ được nơi bỏ sỉ giảm giá thêm khoảng 2 ngàn đồng/vỏ bình. Các loại tương này có ghi thời gian bảo hành từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng đa số người bán lại khuyến cáo khách nên lấy vừa đủ về sử dụng vì để qua tháng, các loại tương này rất dễ chảy nước, biến mùi.
Ngoài tương ớt, tương đen đóng vào từng túi ny-lông khoảng nửa kg, giá từ 3-4 ngàn đồng/bịch cũng bán rất chạy. Một tiểu thương tại chợ Tam Hòa chuyên bán sỉ mặt hàng này chỉ bí quyết, vỏ chai của các thương hiệu lớn đã dùng hết đựng tương chợ nào cũng có bán, khách có thể mua một lô hàng đầu tiên từ hãng có thương hiệu để lấy bình đựng, sau đó tái sử dụng nhiều lần như một hình thức đánh tráo chất lượng tương.
Bình Nguyên