Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng phí đường bộ: Tăng gánh nặng vào nhà sản xuất

09:12, 07/12/2012

Ngày 1-1-2013,  việc thu phí đối với ô tô, xe máy sẽ chính thức được thực hiện. Bên cạnh đó, các trạm thu phí BOT sẽ tăng phí làm cho không chỉ giới vận tải lo lắng mà cả nhà sản xuất cũng ngán ngại.

Ngày 1-1-2013,  việc thu phí đối với ô tô, xe máy sẽ chính thức được thực hiện. Bên cạnh đó, các trạm thu phí BOT sẽ tăng phí làm cho không chỉ giới vận tải lo lắng mà cả nhà sản xuất cũng ngán ngại.

Theo Thông tư 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính,  kể từ ngày 1-1-2013, các phương tiện ô tô, xe máy sẽ phải nộp phí sử dụng đường bộ. Phí này để phục vụ cho việc duy tu và sửa chữa đường bộ. 

* Xe máy cũng đóng phí

Bộ Tài chính quy định mức thu phí đối với xe máy từ 50-150 ngàn đồng/năm tùy dung tích xilanh. Đối với xe chở hàng 4 bánh có mức phí là 2.160.000 đồng/năm. Phí này sẽ do tỉnh, thành quy định cụ thể cho phù hợp với thực tế tại địa phương. UBND các xã, phường sẽ thực hiện thu phí.

Từ ngày 1-1-2013, Nhà nước sẽ dừng thu phí tại khoảng 20 trạm thu phí nộp ngân sách, nhưng các trạm thu phí BOT sẽ tăng cao. Trong ảnh, Trạm thu phí Long Thành trên quốc lộ 51.      ảnh V.NAM
Từ ngày 1-1-2013, Nhà nước sẽ dừng thu phí tại khoảng 20 trạm thu phí nộp ngân sách, nhưng các trạm thu phí BOT sẽ tăng cao. Trong ảnh, Trạm thu phí Long Thành trên quốc lộ 51. ảnh V.NAM

Với xe máy phát sinh trước ngày 1-1-2013 thì tháng 1-2013 thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí là 12 tháng. Thời điểm phát sinh từ ngày 1-1 đến 30-6 hàng năm, chủ phương tiện phải khai, nộp phí đối với xe máy mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm và thời điểm khai nộp chậm nhất là ngày 31-7. Thời điểm phát sinh từ 1-7 đến 31-12 hàng năm, chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất ngày 31-1) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.

Đối với ô tô, mức phí thu từ 130.000-1.040.000 đồng/tháng. Phí do cơ quan đăng kiểm sẽ thực hiện thu mỗi lần đăng kiểm phương tiện. Phí sử dụng đường bộ được tính theo năm và theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Chủ phương tiện nộp phí sử dụng đường bộ cho cơ quan đăng kiểm khi đăng kiểm xe, cơ quan đăng kiểm dán tem nộp phí tương ứng với thời gian nộp.

* Phí chồng lên phí

Ông Lai Thiếu Kinh, Chủ nhiệm HTX vận tải Xuân Khánh (huyện Xuân Lộc), đơn vị có gần 100 xe tải cho rằng, với việc thu phí như sắp tới sẽ làm khó nhà xe và chắc chắn sẽ đẩy giá cước vận chuyển lên, gánh nặng cuối cùng sẽ là nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ông Kinh tính toán, hiện tại mỗi chuyến xe chở hàng 25 tấn của HTX ra ngoài Bắc, chỉ tiền phí qua các trạm cả đi lẫn về đã tốn hơn 2 triệu đồng. Từ tháng 1-2013, phí tại các trạm trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 tăng lên tới 3,5 lần, như vậy mỗi chuyến xe đi rồi về, tiền phí tốn trên 7 triệu đồng, đó chưa kể còn các loại phí khác! Trong khi đó, hàng tháng nhà xe phải nộp hơn 1 triệu đồng/xe tiền phí đường bộ nữa.

Theo thông tư của Bộ Tài chính, mức thu phí đường bộ quốc lộ 51 tới đây sẽ tăng gấp đôi so với trước để thu phí hoàn vốn của dự án mở rộng quốc lộ 51, thời gian thu là 24 năm 8 tháng. Như vậy, các phương tiện đi qua Trạm Tân Hải (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trạm Long Thành (Đồng Nai) sẽ chịu mức phí cao gấp hai lần. Cụ thể như: mức phí với xe container 40 feet sẽ tăng lên 160 ngàn đồng/lượt, thay cho mức 80 ngàn đồng/lượt như hiện nay.

Cũng theo ông Kinh, đoàn xe của HTX Xuân Khánh chuyên chở nông sản, như: hạt điều từ Bình Phước ra Phú Yên, cà phê từ Tây nguyên về TP.Hồ Chí Minh và trái cây từ miền Nam ra Hà Nội, đây là những cung đường dày đặc trạm thu phí. “Lượng hàng vận chuyển năm nay của HTX giảm tới 50% so với năm 2011, các chủ xe gần như không dám tính đến lãi mà đang ăn vào tiền bảo dưỡng xe. Với mức phí tăng cao như vậy thì nhà xe sẽ phải “chia sẻ” cho chủ hàng và như vậy, hàng hóa sẽ tăng giá và người tiêu dùng phải gánh chịu” - ông Kinh nói.

Cũng trăn trở về phí, ông Lương Quang Diệu, Phó giám đốc Công ty luật Việt Á (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), đơn vị làm dịch vụ kế toán và xuất nhập khẩu chia sẻ: “Hiện nay, mức phí cho một chuyến hàng xuất khẩu trong nước đã chiến hơn 1/3 cước vận tải từ cảng đi sang nước ngoài. Chỉ tính sơ qua đã có 7 loại phí (phí nâng hạ hàng, xếp dỡ hàng tại cảng, chứng từ, niêm chì, khai báo hải quan nước nhập, phụ phí xăng dầu..., sắp tới thêm phí đường bộ và các trạm tăng phí nữa thì chi phí quá cao”. Cũng theo ông Diệu, tất cả các khoản phí đều do chủ hàng phải chịu và hàng xuất khẩu của Việt Nam sức cạnh tranh đang bị yếu dần do chi phí tăng.

Hiện tại, mỗi container hàng vận chuyển từ TP.Biên Hòa đến cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) có giá 2,2 triệu đồng và từ TP.Biên Hòa xuống Vũng Tàu ở giá 3,5 - 4 triệu đồng, sau ngày 1-1-2013 khi phí đường bộ và các trạm điều chỉnh tăng giá phí được triển khai, chắc chắn mức cước vận chuyển sẽ cao hơn nhiều.    

Vân Nam

 

 

 

 

Tin xem nhiều