Theo nhận định của các chuyên gia thì năm 2013, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. ở nhiều thị trường lớn, người tiêu dùng vẫn duy trì phương án “thắt lưng buộc bụng” giảm chi tiêu. Đây chính là những bất lợi cho một số ngành hàng xuất khẩu, trong đó có sản phẩm đồ gỗ.
Theo nhận định của các chuyên gia thì năm 2013, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. ở nhiều thị trường lớn, người tiêu dùng vẫn duy trì phương án “thắt lưng buộc bụng” giảm chi tiêu. Đây chính là những bất lợi cho một số ngành hàng xuất khẩu, trong đó có sản phẩm đồ gỗ.
Nhận diện thị trường cho năm mới, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) đã xác định các thị trường lớn, như: Mỹ, châu Âu vẫn chưa có hy vọng ấm lên, trong khi đó các thị trường châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc lại đang đi vào bão hòa.
* Thị trường vẫn yếu
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Giang Thành (huyện Trảng Bom), chuyên xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ sang thị trường Nhật Bản, cho biết, trong quý IV năm nay, tình trạng nhập hàng của đối tác đã giảm so với những quý trước. “Hiện tại, hàng tháng chúng tôi chỉ xuất được 3 container hàng, giảm 2 container so với thời điểm tháng 9 trở về trước. Khách hàng thông báo do sức mua chậm nên hàng tồn vẫn còn. Tuy vậy, thị trường này trong suốt những năm qua khá ổn định trong khi các nơi khác bị sụt giảm đáng kể.”, ông Hùng nói.
Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Hố Nai. Ảnh: V.NAM |
Cũng theo ông Hùng, một nguyên nhân nữa khiến tình trạng xuất khẩu của Giang Thành bị giảm do thời gian qua, rất nhiều DN sản xuất gỗ trước kia vốn xuất khẩu mạnh sang châu Âu và Mỹ, nhưng do khó khăn đã tìm về thị trường châu Á, trong đó có Nhật Bản. Ông Hùng dẫn chứng, hai người bạn của ông cùng làm đồ gỗ nội thất xuất khẩu sang Ý, nhưng năm nay đã không còn xuất khẩu hàng sang thị trường này nữa mà nhảy sang thị trường Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ. Rõ ràng việc nhiều DN tập trung hàng vào đây đã làm cho “miếng bánh” bị chia phần nhỏ thêm.
Theo giới xuất khẩu hàng, năm 2012, các DN làm hàng sang Nhật khá “may mắn” bởi cuối năm 2011, nhiều khách hàng Nhật trước đây nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc nay chuyển sang tìm hàng từ các nước ASEAN. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2013, thị trường Nhật Bản sẽ không còn hấp dẫn như trước nữa, do nền kinh tế xứ sở hoa anh đào này cũng đang bắt đầu gặp phải khó khăn.
Ở các thị trường khác như Mỹ cũng chưa có tín hiệu vui cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc DNTN Kiến Phúc (huyện Trảng Bom) cho hay, tình hình bất động sản tại Mỹ vẫn chưa hồi phục nên ngành nội thất vẫn khá trầm lắng. Hiện tại, DN của ông vẫn làm hàng xuất sang Hàn Quốc, chưa có đơn hàng xuất về thị trường truyền thống như Mỹ.
* Mất thị trường do chi phí tăng
Chị Nguyễn Thu Phương, Phó giám đốc Công ty gỗ xuất khẩu Quyết Thành (huyện Trảng Bom), tính toán, từ đầu năm đến nay mọi chi phí đã tăng lên 20% trong khi thị trường lại giảm. Thị trường xuất khẩu hàng truyền thống của Quyết Thành là châu Âu, nhưng từ năm 2011, DN đã chuyển sang thị trường Nga. “Thị trường yếu không phải là họ không mua hàng mà do sức cạnh tranh của mình không nổi. Cùng một sản phẩm, khi chào bán tại châu Âu chúng tôi luôn phải bán cao hơn hàng từ các nước Trung Quốc, Malaysia từ 1,5 đến 5 USD, khách hàng họ luôn so bì và ép mình giảm giá. Nếu bán hàng với giá tương đương là DN lỗ nên phải rút lui kiếm thị trường khác. Lãi suất ngân hàng vừa qua có giảm nhưng so với nước ngoài thì vẫn còn cao”, chị Phương chia sẻ.
Cùng quan điểm này, Phó giám đốc Công ty luật Việt Á Lương Quang Diệu tại phường Tân Biên (TP.Biên Hòa), đơn vị làm dịch vụ kế toán và xuất nhập khẩu cũng cho rằng, chi phí sản xuất cũng như vận chuyển mà các DN làm hàng của Việt Nam hiện rất cao. Chỉ tính riêng phí vận chuyển đã cao hơn nhiều nước trong khu vực khoảng 4 USD cho mỗi container hàng. Chi phí cao đã làm cho DN mất sức cạnh tranh. Cũng theo ông Diệu, năm 2013 sẽ là năm các DN làm hàng xuất khẩu nói chung và ngành gỗ nói riêng vẫn tiếp tục còn phải đối mặt với khó khăn, nếu như chi phí tiếp tục đội thêm thì khó giữ được thị trường.
Vân Nam