Năm 2012, gần 800 hộ dân trong tỉnh được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Lợi ích lớn nhất các hộ dân đạt được là thông thạo về kỹ thuật để thực hành tiếp cho các vụ sau.
Năm 2012, gần 800 hộ dân trong tỉnh được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Lợi ích lớn nhất các hộ dân đạt được là thông thạo về kỹ thuật để thực hành tiếp cho các vụ sau.
Với dự án khuyến nông nâng cao năng lực sản xuất cho các hộ nghèo năm 2012, mỗi hộ được hỗ trợ giống, kỹ thuật, vật tư nông nghiệp không quá 5 triệu đồng/hộ. Tuy vốn ít nhưng hiệu quả mang lại khá cao. Vì sau một thời gian được “cầm tay chỉ việc” đa số các hộ đều có kinh nghiệm để đẩy cao năng suất.
* Hiệu quả cao
Vào một ngày cuối tháng 11-2012, chúng tôi tìm đến cánh đồng lúa đang vào mùa thu hoạch của đồng bào Chơro ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Trên gương mặt của nông dân nơi đây không giấu niềm vui, vì vụ này chắc chắn lúa sẽ đầy nhà, đời sống sẽ khá hơn.
Anh Trần Văn Toàn ở ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đang thu hoạch nốt diện tích lúa. |
Chị Hà Thị Hòa ở ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý cho biết: “Gia đình tôi có 0,5 hécta lúa. Những năm trước, vụ nào mưa thuận gió hòa cũng chỉ được gần 2 tấn lúa, song năm nay lúa tốt, tôi ước đạt gần 3 tấn. Cùng một diện tích mà có thêm 1 tấn lúa nữa với tôi là cả niềm vui lớn”. Anh Trần Văn Toàn cũng ở ấp Lý Lịch 1 kể: “Lúa vùng này trước nay canh tác dựa hoàn toàn vào tự nhiên, năm nào mưa lũ gây ngập nhiều thì gần như mất trắng. Nhưng vụ mùa 2012, nhờ tỉnh hỗ trợ một phần giống, phân bón và kỹ thuật trồng, chăm sóc nên đầu vụ dù ngập lụt kéo dài gần 1 tuần, cây lúa vẫn vượt qua và cho năng suất trên 5 tấn/hécta. Đây là vụ lúa đầu tiên đạt năng suất cao như thế”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Huynh ở ấp 2 xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) nói: “Gia đình tôi được dự án hỗ trợ 100 con gà tam hoàng để nuôi thả vườn. Hiện gà được trên 1kg/con, thương lái vào trả với giá 46 ngàn đồng/kg nhưng tôi chưa bán. Nếu giờ bán đi tôi cầm chắc lời gần 5 triệu đồng. Có kinh nghiệm, tôi dự định tiếp tục nuôi gà thả vườn và sẽ nâng số lượng lên thêm 3 - 4 lần”.
* Rành kỹ thuật hơn
Dự án khuyến nông cho người nghèo được tỉnh giao cho Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai triển khai từ nhiều năm nay. Mục đích chính của chương trình là giúp nông dân nghèo trong tỉnh nắm bắt kỹ thuật trồng trọt để tăng năng suất, có thêm thu nhập. Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai cho biết: “Dự án triển khai ở tất cả các huyện, thị, thành trong tỉnh. Tùy theo điều kiện, nhu cầu của bà con ở mỗi vùng để hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Yêu cầu của dự án là hỗ trợ nông dân có kỹ thuật sản xuất tốt cho những vụ sau. Do đó, trong quá trình làm, trung tâm cử kỹ sư nằm vùng mở nhiều đợt tập huấn kỹ thuật cho bà con”. Năm 2012, dự án khuyến nông cho hộ nghèo đã hỗ trợ cho nhiều hộ dân thuộc đồng bào dân tộc trong tỉnh. Đa số các hộ sau khi được hỗ trợ kỹ thuật giống đều làm ăn hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Huynh (ấp 2, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) bên chuồng gà được khuyến nông hỗ trợ giống, kỹ thuật nuôi. Ảnh: K.Minh |
Ông Đào Mạnh Hùng ở ấp 2 xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) khoe: “Ở gần rừng, lá cây sẵn nhưng tôi không có vốn và kỹ thuật để nuôi dê. Giữa năm nay, nhờ dự án hỗ trợ 3 con dê giống và được hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật, tôi học được phương pháp nuôi dê. Tới đây tôi sẽ nhân rộng đàn từ chính đàn dê hiện tại”.
Dự tính, dự án khuyến nông nâng cao năng lực sản xuất cho hộ nghèo trong tỉnh sẽ triển khai từ nay đến năm 2015, mỗi năm có 700-800 hộ dân được hỗ trợ giống, kỹ thuật để sản xuất. Hiện nay, dự án đã hỗ trợ cho nhiều mô hình, như: nuôi gà thả vườn, nuôi dê, bò, trồng lúa, bắp… với mục tiêu tạo nền tảng hiểu biết kỹ thuật để bà con nông dân áp dụng vào thực tiễn một cách lâu dài, hiệu quả. |
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Tô Thành Buông, mỗi năm, tỉnh đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho Dự án khuyến nông cho hộ nghèo. Trong đó, mỗi hộ chỉ được hỗ trợ một lần và không quá 5 triệu đồng/hộ. Vì vậy, ngành nông nghiệp đặt việc chuyển giao kỹ thuật lên hàng đầu để sau khi được hỗ trợ, nông dân sẽ có kiến thức sản xuất tốt một loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của mình.
Khánh Minh