Năm 2012, ngành chăn nuôi cả nước gặp hàng loạt khó khăn về giá cả, dịch bệnh. Tại Đồng Nai, hầu hết các trang trại đều chịu cảnh thua lỗ. Trong khi lo gần chưa qua, các trang trại đang đối mặt với hàng loạt nỗi lo xa.
Năm 2012, ngành chăn nuôi cả nước gặp hàng loạt khó khăn về giá cả, dịch bệnh. Tại Đồng Nai, hầu hết các trang trại đều chịu cảnh thua lỗ. Trong khi lo gần chưa qua, các trang trại đang đối mặt với hàng loạt nỗi lo xa.
Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, thời gian qua, giá heo, gà giảm sâu làm người chăn nuôi thua lỗ lớn. Hiện nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh đã ngưng nuôi, còn các trang trại một số vẫn cố gắng duy trì đàn với hy vọng gỡ gạc lại trong dịp tết. Với một số trang trại chuyển sang nuôi gia công thì tương lai cũng không mấy sáng sủa.
* Thấp thỏm chờ tết
Khoảng 2 tuần nay, giá heo hơi tại Đồng Nai đã nhích dần lên. Hiện các trang trại đang bán heo hơi cho thương lái khoảng 42-44 ngàn đồng/kg. Với giá heo hơi như hiện nay, các trang trại không chủ động được nguồn giống và phải mua thức ăn chăn nuôi, chịu lỗ 100-200 ngàn đồng/tạ heo hơi. Còn các trang trại chủ động được nguồn giống và tự trộn thức ăn chăn nuôi chỉ huề vốn. Với các trang trại nuôi gà trắng công nghiệp, sau gần một năm điêu đứng, giá gà hiện chỉ tăng lên ở mức huề vốn. Người nuôi gà đẻ trứng, số phận cũng không sáng sủa hơn. Do đó, hầu như các trang trại phải ráng cầm cự giữ đàn, vì ngưng nuôi đồng nghĩa với phá sản.
Trang trại gà của anh Âu Thanh Sơn ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu đầu tư gần 2 tỷ đồng/dãy chuồng để đáp ứng đủ điều kiện gia công. Ảnh: H.Giang |
Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại gà đẻ trứng xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), nói: “Năm nay, chi phí đầu tư cho chăn nuôi gà đẻ trứng tăng trên 15% so với năm 2011, trong khi giá trứng bán ra thấp hơn nên trang trại của tôi nhiều thời điểm phải chịu lỗ. Tuy vậy, tôi vẫn cố duy trì đàn vì đã đầu tư vào trang trại vài chục tỷ đồng, hiện vẫn còn nợ ngân hàng vài tỷ đồng”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ trang trại gà thịt ở ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), cho biết: “Dù có sẵn nguồn vốn nhưng từ đầu năm đến nay, giá gà thịt thường xuyên dưới giá thành khiến tôi mất trên 1 tỷ đồng. Tuy là lỗ, nhưng vẫn phải nuôi và trông chờ vào dịp cuối năm có thể gỡ lại. Nhưng nếu năm 2013, tình trạng này còn lặp lại, rất ít trang trại còn đủ tiềm lực duy trì chăn nuôi”.
* Nuôi gia công lo xa
Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi không chịu được cảnh giá heo, gà bấp bênh và không còn vốn để tự chăn nuôi đã chuyển qua nuôi gia công cho các công ty nước ngoài, như: CP, Emivert, Japfa… Thế nhưng, tình hình này cũng rất ảm đạm. Vì các công ty này đang chịu lỗ vài chục tỷ đồng/tháng nên họ đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe về kỹ thuật để siết lại các trang trại nuôi gia công. Cụ thể, loại bỏ dần các trang trại có thiết bị lạc hậu, giảm lượng cám đầu tư cho gà thịt, giãn thời gian nuôi giữa các lứa… Điều này khiến nhiều trang trại chăn nuôi bị dồn đến bên bờ vực. Ông Mô A Tín ở ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định (huyện Định Quán), cho hay: “Tôi đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng chuồng trại để nuôi gia công gà thịt cho Công ty CP. Gần đây công ty đưa ra yêu cầu khắt khe hơn, chỉ cần để tỷ lệ hao hụt đàn tăng hơn 6% coi như hết lời”.
Muốn giảm tỷ lệ hao hụt đàn buộc người chăn nuôi gia công áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, như: đầu tư nâng cấp chuồng trại, mua thêm thuốc thú y, bổ sung thêm dưỡng chất cho gà. Trong bối cảnh chăn nuôi khó khăn, rất ít trang trại có khả năng thực hiện việc nâng cấp chuồng trại.
Anh Âu Thanh Sơn, chủ trang trại nuôi gia công gà thịt ở xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Để duy trì được hợp đồng nuôi gà gia công khoảng 60 ngàn con/lứa, tôi phải rủ thêm một số bạn bè góp vốn. Nhờ có vốn, tôi đầu tư nâng cấp chuồng trại, đa số các khâu chăn nuôi đều tự động giảm được nhiều công lao động, tỷ lệ hao hụt đàn thấp nên vẫn có lời”. Song anh Sơn cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, nếu các trang trại chăn nuôi gia công không liên kết lại và kêu gọi thêm đối tác cùng đầu tư với mình thì rất khó tồn tại.
Một số chủ trang trại chăn nuôi nhận xét, năm nay thời tiết khắc nghiệt, gà chậm lớn, tiêu tốn nhiều thức ăn và tỷ lệ hao hụt đàn cao. Vì thế đa số các hộ tự chăn nuôi cho đến nuôi gia công đều có chung một tương lai không mấy sáng sủa.
Hương Giang