Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác khoáng sản: “Bỏ quên” môi trường

10:12, 21/12/2012

Từ năm 2006, Đồng Nai đã tiến hành thu phí môi trường trong khai thác khoáng sản. Nguồn thu này đáng lý phải được dùng vào khắc phục môi trường gần nơi khai thác, nhưng hầu hết các địa phương… “bỏ quên”.

Từ năm 2006, Đồng Nai đã tiến hành thu phí môi trường trong khai thác khoáng sản. Nguồn thu này đáng lý phải được dùng vào khắc phục môi trường gần nơi khai thác, nhưng hầu hết các địa phương… “bỏ quên”.

Tính đến đầu tháng 11-2012, toàn tỉnh có 46 mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng với diện tích trên 1.600 hécta. Theo quy định của Chính phủ, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải nộp phí bảo vệ môi trường. Nguồn thu này được dùng khôi phục môi trường tại những khu vực gần nơi khai thác.

* Quên từ nhiều năm

Từ năm 2006 đến năm 2011, trung bình mỗi năm tỉnh thu được trên 15 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Riêng năm 2012, mức phí này được điều chỉnh tăng lên gấp 2 lần. Mục đích của việc thu quỹ là để khắc phục ô nhiễm môi trường tại những khu vực gần nơi khai thác khoáng sản. Để cải tạo môi trường những vùng ven bị ảnh hưởng do khai thác khoáng sản, các địa phương đang có mỏ khai thác phải lập dự án phòng ngừa, hạn chế, cải tạo cảnh quan môi trường gần nơi có hoạt động khai thác.

Tại khu vực xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), việc khai thác mỏ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Ảnh: H.Giang
Tại khu vực xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), việc khai thác mỏ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Ảnh: H.Giang

Không ít lần có mặt ở ấp Cầu Hang, xã Hóa An (TP. Biên Hòa), chúng tôi chứng kiến các xe chở đá ra - vào khiến bụi bay mù mịt, đá văng đầy đường. Cây cối, nhà cửa hai bên đường đều bị một lớp bụi đá dày bao phủ. Ông Nguyễn Văn Hồng, ấp Cầu Hang, xã Hóa An, cho biết: “Khu vực này gần mỏ khai thác đá, xe chở đá ra vào thường xuyên nên hơn 10 năm nay, gia đình tôi phải chịu cảnh bụi mù mịt”.

Tương tự, tại những khu vực gần mỏ đang khai thác đá ở xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), xã Quang Trung (huyện Thống Nhất)… chúng tôi cũng bắt gặp xe chở đá ra - vào thường xuyên, bụi bay đầy đường. Khi được hỏi, hầu hết bà con sống gần những khu vực mỏ đều than, sống gần nơi khai thác mỏ, họ chịu đủ nỗi khổ, như: nhà cửa bụi bặm, tiếng ồn và đường đầy ổ voi, ổ gà đi lại khó khăn. Người già, trẻ nhỏ thường xuyên mắc bệnh đường hô hấp vì phải hít bụi quá nhiều. Do đó, người dân sống gần các vùng mỏ đều mong tỉnh có những biện pháp khắc phục bớt ô nhiễm. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục chỉ vì các địa phương chưa lập dự án phòng ngừa ô nhiễm để trình tỉnh cấp kinh phí thực hiện.

* Bao giờ bớt bụi?

Từ năm 2006 đến nay, tổng số tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khoáng sản là trên 100 tỷ đồng. Nguồn thu này đáng lý phải được đầu tư các công trình, dự án khắc phục bớt ô nhiễm ở những khu vực gần mỏ, nhưng do UBND các huyện, thành phố “quên” nên đành trả về ngân sách.

Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết: “Đến thời điểm này, mới chỉ có huyện Vĩnh Cửu lập dự án yêu cầu hỗ trợ kinh phí để khắc phục môi trường ở những khu vực gần nơi khai thác mỏ. Nhưng dự án lại không khả thi, vì chỉ đề xuất làm đường, xây trường học gần khu vực mỏ nên chưa được phê duyệt. Muốn hưởng được nguồn kinh phí này, các địa phương có mỏ phải xây dựng dự án phù hợp với các tiêu chí, khắc phục suy thoái, bảo vệ tái tạo cảnh quan môi trường…”.

Hiện nay, khai thác mỏ tập trung nhiều ở một số vùng thuộc các huyện: Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa. Nguồn phí này thu mục đích để tái tạo, khắc phục ô nhiễm gần nơi khai thác mỏ nhưng lại bị “bỏ quên” khiến người dân sống gần mỏ chịu khá nhiều thiệt thòi vì môi trường xuống cấp.

Cũng theo ông Nghĩa, đường sá gần nơi khai thác mỏ xuống cấp do xe chở đá ra - vào buộc các chủ mỏ có trách nhiệm sửa chữa. Nguồn quỹ phí môi trường này chỉ hỗ trợ các trường hợp, như: làm hoặc nâng cấp các công trình nước sạch cho người dân ở gần mỏ chịu tác động từ khai thác làm nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, ô nhiễm. Ngoài ra, có thể hỗ trợ trồng cây xanh ngăn bụi, hay làm hệ thống phun sương giảm bụi...

 Hương Giang

Tin xem nhiều