Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoa tết vào mùa

09:12, 09/12/2012

Về các vùng trồng hoa lớn trong tỉnh thời điểm này, mọi người sẽ thấy bà con nông dân đang tất bật chăm sóc hoa để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, chủng loại hoa trồng phong phú hơn mọi năm.

Về các vùng trồng hoa lớn trong tỉnh thời điểm này, mọi người sẽ thấy bà con nông dân đang tất bật chăm sóc hoa để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, chủng loại hoa trồng phong phú hơn mọi năm.

Những năm trước vào dịp gần tết, Đồng Nai có 4 vùng trồng hoa lớn thuộc các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa. Nhưng năm nay, chỉ còn 2 vùng trồng hoa lớn thuộc xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) và xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), các nơi khác, số hộ trồng hoa còn rất ít và diện tích không đáng kể.

* Đa dạng các loại hoa

Trước đây, nông dân ở các vùng trồng hoa lớn trong tỉnh đa số trồng mào gà, vạn thọ. Khoảng hai năm lại đây, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, nông dân đổi sang trồng cúc Đà Lạt và lay-ơn. Cúc Đà Lạt còn được nhiều người gọi là cúc pha lê. Loại hoa này gần đây được ưa chuộng vì bông nhiều, to, có màu vàng rực rỡ và tươi lâu.

         Ông Vũ Đình Chung ở ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) đang chăm sóc hoa.             Ảnh: H.Giang
Ông Vũ Đình Chung ở ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) đang chăm sóc hoa. Ảnh: H.Giang

Để đưa cúc Đà Lạt về Đồng Nai trồng và ra bông vào đúng dịp Tết Nguyên đán là cả một quá trình đổ mồ hôi, sôi nước mắt của nhiều nông dân. Ông Vũ Đình Chung ở ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3, kể: “Tôi đưa cúc Đà Lạt về trồng thử nghiệm từ năm 2001, nhưng thất bại 2 năm liền nên tôi chán nản phải quay lại trồng mào gà. Khoảng 3 năm nay, người tiêu dùng thích cúc hơn mào gà, tôi đã quay lại trồng cúc. Cũng may lần này, tôi chịu khó học hỏi nên đã thành công. Ngoài cúc Đà Lạt, tôi còn trồng thêm hoa hướng dương, thược dược để có chủng loại phong phú cung cấp cho thị trường tết”.

Cũng vào dịp này 2 năm trước, về vùng hoa Gia Tân 3, chúng tôi chỉ thấy có hoa cúc Đà Lạt, vạn thọ, mào gà, păng-sê (pensée). Nhưng năm nay, ngoài các loại hoa trên còn có thêm hoa cúc tiểu nhị, thược dược, hướng dương và lay-ơn. Anh Trần Anh Tuấn ở ấp Tân Yên, xã Gia Tân 3 nói: “Những năm trước, gia đình tôi và nhiều bà con trong ấp chỉ trồng 2 loại hoa truyền thống là mào gà và vạn thọ. Hai loại hoa này giờ tiêu thụ rất chậm nên chuyển qua trồng cúc. Cúc Đà Lạt tuy khó trồng, bù lại đầu ra ổn định và lợi nhuận cũng cao hơn gấp 2-3 lần so với trồng mào gà và vạn thọ”.

Tại vùng hoa Bưng Cần ở xã Bảo Hòa, những năm trước nổi tiếng với hoa huệ, năm nay phần lớn nông dân chuyển qua trồng hoa lay-ơn.

* Mùa hoa nhiều hứa hẹn

Theo nông dân ở các vùng trồng hoa lớn trong tỉnh, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi để cho các loại hoa phát triển. Bên cạnh đó, giá các loại vật tư đầu vào cho trồng hoa vụ này chỉ tăng 5% so với năm 2011. Vì thế, giá hoa năm nay chỉ cần cao hơn năm trước một chút là người trồng có lời.

Bà Vũ Thị Tin ở ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3, cho hay: “Năm trước, hoa cúc Đà Lạt được thương lái vào vườn mua với giá 16-18 ngàn đồng/chậu, trừ chi phí tôi còn lời gần 10 ngàn đồng/chậu. Tiếc nhất là gần ngày ông Táo lên trời (23-12 âm lịch) nhiều thương lái đổ về mua số lượng lớn và cao hơn vài giá nhưng lại hết hàng để bán. Thời điểm này đã có nhiều thương lái về đặt hàng cho dịp tết, tôi không phải lo nhiều đến đầu ra”.

Chị Lê Thị Trà Hương ở ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa cho biết: “Trước đây, vùng này chủ yếu trồng huệ, loại hoa này giờ sâu bệnh nhiều, năng suất kém, lợi nhuận rất thấp nên đa số các hộ chuyển sang trồng hoa lay-ơn. Dịp tết 2011, trồng lay-ơn lời hơn 10 triệu đồng/sào. Do đó, vụ này tôi tiếp tục đầu tư trồng hoa lay-ơn”.

Theo nhận định của một số nông dân trồng hoa ở ấp Bưng Cần, trồng lay-ơn dễ hơn trồng huệ trong khi lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần. Ngoài lợi nhuận cao, đầu ra của hoa lay-ơn hút hàng, nông dân yên tâm đầu tư.

Hương Giang

  

 

 

Tin xem nhiều