Phát triển kinh tế, nhưng không “bỏ quên” môi trường và đảm bảo an sinh xã hội là những mục tiêu của Đồng Nai hướng đến xây dựng một nền kinh tế - xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra.
Chú trọng phát triển bền vững
Phát triển kinh tế, nhưng không “bỏ quên” môi trường và đảm bảo an sinh xã hội là những mục tiêu của Đồng Nai hướng đến xây dựng một nền kinh tế - xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra.
Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (phường Tân Mai, TP. Biên Hòa) vừa được đầu tư xây mới với kinh phí 31 tỷ đồng. Ảnh: T.Thúy |
Trong 12 chỉ tiêu thuộc nhóm môi trường và xã hội năm 2012 của Đồng Nai, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Riêng chỉ tiêu 100% khu công nghiệp (KCN) có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường (hiện đạt 96,2%) cũng sẽ hoàn thành vào quý I-2013. Hai KCN Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch) và Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đang gấp rút thi công trạm xử lý nước thải tập trung để hoàn thành đúng tiến độ.
* Môi trường - ưu tiên hàng đầu
Ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, trọng tâm của năm 2012 là tập trung bảo vệ môi trường tại các khu vực trọng điểm ở đô thị, KCN, cụm công nghiệp và khu vực nông thôn để kiểm soát môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống. Đến nay, ngành đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 6 trạm quan trắc tự động (4 trạm nước, 2 trạm khí). Kết quả quan trắc nước mặt tại 29 sông, suối trên địa bàn cho thấy, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt, tưới tiêu, thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu, lượng khí thải ở nhiều khu vực đô thị cũng đạt mức cho phép.
Bài học lớn về môi trường Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới nhận định, thời gian qua, Đồng Nai phải xử lý 2 vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường tại Công ty Vedan và Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Long Thành. Điều đó không có nghĩa là tỉnh không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Trên thực tế, đây là một nhiệm vụ khó khăn, phải khắc phục dần từng bước. |
Một trong những vấn đề “đau đầu” trong thời gian qua, là việc xử lý chất thải tại các khu dân cư, địa phương, đến nay cũng đã được giải quyết cơ bản. Toàn tỉnh đã xây dựng được 9 khu xử lý chất thải (3 khu xử lý chất thải rắn liên huyện và 6 khu xử lý chất thải rắn từng huyện), trong đó 4 khu đã đi vào hoạt động, 3 khu đang thi công, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2013. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế đã đạt mức 100%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại cũng đạt 90%.
Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, theo ông Võ Văn Chánh, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung tăng cường cho công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường. Những “điểm nóng” về môi trường, như: Công ty xi măng Lafagre, Công Thanh (huyện Nhơn Trạch), Công ty Siêu Phàm (TP. Biên Hòa) sẽ được đốc thúc để khắc phục triệt để. Bên cạnh đó, một số dự án về môi trường, như: nạo vét suối Săn Máu sẽ được tiếp tục đầy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, sinh hoạt của người dân.
* Chăm lo an sinh xã hội
Một trong những khó khăn của Đồng Nai là song song với sự phát triển của các KCN, lượng công nhân ngoại tỉnh cũng đổ về rất đông khiến các nhu cầu về xã hội, trong đó có nhu cầu rất cấp thiết là trường học. Vì thế, chương trình kiên cố hóa trường lớp học luôn được xác định là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh nhằm xóa tình trạng học ca ba, nâng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng môi trường học tập chất lượng cao.[links(right)]
Trưởng phòng đầu tư Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưỡng cho biết, vốn ngân sách hàng năm đầu tư cho giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) khá lớn, như năm 2011 trong tình hình thực hiện Nghị quyết 11/CP về cắt giảm đầu tư công, ngân sách dành cho xây dựng cơ bản cả tỉnh là 700 tỷ đồng thì trong đó, đầu tư cho GD-ĐT là 462 tỷ đồng, năm 2012 ngân sách chi cho GD-ĐT cũng hơn 500 tỷ đồng. Tính lũy kế từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 67 công trình trường học, 18 công trình khác đang hoàn tất thủ tục để khởi công. Hiện nay, tuy một số khu vực đông công nhân lao động như: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu vẫn còn tình trạng quá tải, học ca ba, nhưng ở các địa phương khác, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Ngay cả huyện Cẩm Mỹ là địa phương trước kia rất khó khăn, thì năm học 2012-2013 cũng đã có trường chuẩn quốc gia đầu tiên.
Tổ lưu động Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục cho hộ nghèo ở phường Tân Tiến (TP. Biên Hòa) vay vốn. Ảnh: T.Thúy |
Là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia, từ nhiều năm nay, chương trình giảm nghèo luôn được quan tâm để không chỉ giảm tỷ lệ hộ nghèo mà còn giảm một cách bền vững, không để tái nghèo. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội nhận xét, từ việc giao nhiệm vụ về cho địa phương, đi sâu vào phân tích nguyên nhân để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp, chương trình giảm nghèo ngày càng có những hoạt động cụ thể và hiệu quả. Tùy theo điều kiện từng hộ, mà hộ nghèo sẽ được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề và giới thiệu việc làm hoặc được vận động nâng mức trợ cấp đối với những hộ không còn khả năng lao động (già yếu, tàn tật). Trong đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao đã được giới thiệu đến các hộ nghèo, như: nuôi gà thả vườn, trồng tiêu năng suất cao. Do chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn chuẩn nghèo chung của cả nước, nên năm qua chương trình giảm nghèo gặp nhiều khó khăn bởi nguồn vốn vay phân bổ từ Trung ương bị cắt giảm, tuy vậy tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2012 vẫn giảm còn 3,5% (giảm được 1,5%). Trong đó, không còn hộ gia đình chính sách nào nằm trong diện hộ nghèo.
Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực Chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong những yếu tố quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. PGS. TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết, năm 2012 đã có 291 học viên trúng tuyển các lớp đào tạo sau đại học bằng nguồn ngân sách của tỉnh, nâng tổng số học viên đang đào tạo sau đại học là 635 người. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có 230 học viên hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học, trong đó 32,2% đạt loại xuất sắc và giỏi. Ở chương trình đào tạo lao động kỹ thuật, theo ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, ngành đã khắc phục dần tình trạng đầu tư dàn trải mà tập trung vào đào tạo các ngành nghề trọng điểm, như: điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, điện dân dụng, nguội, sửa chữa máy công cụ, cơ khí… theo chuẩn quốc tế, khu vực và quốc gia. Trong năm 2012, đã có trên 43 ngàn lao động được đào tạo nghề. |
V.Lâm - H.Giang - T.Thúy