Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai bứt phá ngoạn mục

11:12, 12/12/2012

Năm 2012 được lãnh đạo tỉnh xác định là một năm nhiều “chông gai” với hàng loạt khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới và trong nước. Tuy vậy, tỉnh vẫn có hướng đi riêng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều con số ấn tượng. Giữ vững mức tăng trưởng kinh tế, chú trọng đầu tư các lĩnh vực trọng yếu, như: nông thôn mới, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội… là những mục tiêu quan trọng nhất mà Đồng Nai đặt ra trong thời gian tới.

Năm 2012 được lãnh đạo tỉnh xác định là một năm nhiều “chông gai” với hàng loạt khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới và trong nước. Tuy vậy, tỉnh vẫn có hướng đi riêng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều con số ấn tượng. Giữ vững mức tăng trưởng kinh tế, chú trọng đầu tư các lĩnh vực trọng yếu, như: nông thôn mới, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội… là những mục tiêu quan trọng nhất mà Đồng Nai đặt ra trong thời gian tới.

Bài 1: Vượt khó giữ tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế Đồng Nai năm 2012 dự kiến đạt 12,1%, hơn gấp đôi so với mức tăng dự kiến của cả nước, cao hơn Hà Nội (8,1%) và TP. Hồ Chí Minh (9,2%). Đằng sau con số này là sự nỗ lực lớn của Đồng Nai.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái thăm dây chuyền sản xuất của Công ty Tae Kwang Vina tại KCN Biên Hòa 2 vào tháng 11 - 2012. Ảnh: V. Lâm
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái thăm dây chuyền sản xuất của Công ty Tae Kwang Vina tại KCN Biên Hòa 2 vào tháng 11 - 2012. Ảnh: V. Lâm

Năm 2012, Đồng Nai cũng như cả nước chứng kiến rất nhiều sự đổ vỡ của doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, trong 35 chỉ tiêu năm 2012 của tỉnh, có 7 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra, 25 chỉ tiêu đạt và chỉ có 3 chỉ tiêu không đạt. Trong số các chỉ tiêu đạt và vượt có những chỉ tiêu rất “khó nhằn” như: thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI)…

* Doanh nghiệp vượt khó

Năm 2012, theo Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai tăng 16,5% so với năm 2011. Hầu hết các sản phẩm chủ yếu của tỉnh đều có mức sản xuất tăng so với cùng kỳ, như: gạch men (tăng 22%), bánh kẹo (tăng 18,2%), đường mật, quạt điện (tăng 17%), ngói (tăng 15,8%), giày thể thao (tăng 15,2%), may mặc (tăng 12%)… Điều này chứng tỏ, DN đã bằng nhiều cách vượt qua khó khăn, cố gắng giữ vững thị phần.

Năm nay, một số tổng công ty nhà nước có quy mô lớn và có mức nộp ngân sách cao tiếp tục làm ăn có hiệu quả, tuy không bằng các năm trước nhưng vẫn cho thấy sự cố gắng lớn. Cụ thể như: sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) năm 2012 đã tăng hơn 10% so với kế hoạch đề ra, đạt hơn 8,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận đạt trên 500 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 1,3 ngàn tỷ đồng. Tương tự, doanh thu của tổ hợp Tổng công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi cũng đạt mức tăng khá tốt so với kế hoạch đề ra, trên 10%, trong đó lợi nhuận đạt trên 320 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 200 tỷ đồng.

Hầu hết các DN trong nước và FDI ở Đồng Nai khi được hỏi đều cho biết, ngay từ đầu năm, họ chỉ dám đặt ra mục tiêu “cầm chừng để tồn tại”, hiếm có DN nào tự tin giữ vững mức tăng trưởng từ 20-30% như các năm trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Takanori Yamshita - Tổng giám đốc Công ty Fujitsu (KCN Biên Hòa 2) cho biết, doanh thu xuất khẩu của Fujitsu có một thời gian dài tuột dốc. Những năm 2006-2007, DN xuất khẩu đến nửa tỷ USD mỗi năm, sau đó giảm dần, đến giai đoạn 2009-2010 chỉ còn 70-80 triệu USD/năm. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân: khủng hoảng kinh tế, tập đoàn mẹ tại Nhật cơ cấu lại mặt hàng và thay đổi chiến lược kinh doanh… Trước tình hình này, Fujitsu đã nghiên cứu lại chiến lược kinh doanh, phát triển ngành hàng mới. Hiện tại, DN đang tham gia sản xuất đế bảng mạch in cho smartphone (điện thoại thông minh) và xe hơi, phục hồi dần doanh thu xuất khẩu.[links(right)]

Tương tự, nhiều DN xuất khẩu trong và ngoài nước khác đã chủ động vượt khó bằng nhiều cách, trong đó có việc hướng đến các thị trường mới để giữ doanh số. Nhiều DN xuất khẩu lớn trong nước về mặt hàng đồ gỗ, giày da, nông sản… đã chủ động đưa hàng sang các thị trường mới như: châu Phi, châu Mỹ la tinh, Tây Á… trong bối cảnh nhiều thị trường truyền thống, như: Hoa Kỳ, châu Âu… bị giảm sút mạnh do khủng hoảng.

* Chính quyền “sát cánh”

Trong buổi tiếp và làm việc với Tổng lãnh sự Vương quốc Anh Douglas Barnes mới đây, trước câu hỏi đầy ngạc nhiên của ông Barnes là vì sao Đồng Nai vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng trong khi cả nước và các đầu tàu kinh tế lớn, như: TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều không đạt mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng, đây là cả một nỗ lực lớn của chính quyền và DN, bên cạnh những yếu tố khách quan chung. 

Khởi công dự án đầu tư nước ngoài LIXIL tại KCN Long Đức - có tổng vốn 441 triệu USD, lớn nhất trong năm 2012. Ảnh: V. Lâm
Khởi công dự án đầu tư nước ngoài LIXIL tại KCN Long Đức - có tổng vốn 441 triệu USD, lớn nhất trong năm 2012. Ảnh: V. Lâm

Theo đó, trong năm 2012, UBND tỉnh và các sở, ngành liên tục tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến DN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN, ít nhất là về phương diện thủ tục hành chính cũng như kết nối các thông tin về thị trường. Cụ thể, UBND tỉnh đã chủ trì trực tiếp 5 cuộc gặp gỡ DN; Sở Kế hoạch - đầu tư chủ trì 6 lần làm việc với từng nhóm DN tùy ngành nghề; Sở Công thương liên tục có các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, mời các tham tán thương mại và đại sứ các nước tham dự nhằm giúp DN có thêm thông tin mở rộng thị trường. Ngoài ra, các cơ quan chuyên ngành, như: Cục Thuế, Cục Hải quan, Ban Quản lý các khu công nghiệp… cũng thường xuyên tiếp cận và hỗ trợ DN theo lịch tiếp hàng tuần.

Không ngồi yên chờ vốn

Một trong những con số ấn tượng nhất của Đồng Nai năm 2012 là thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 1,148 tỷ USD - vượt hơn 33% so với kế hoạch. Để đạt được điều này, Đồng Nai không “ngồi yên” chờ vốn FDI rót vào, thay vào đó là sự chủ động “chào mời” của lãnh đạo tỉnh theo đúng định hướng đề ra. Năm 2012, liên tục có những hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức ở: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Lào… và cả những hội nghị ngay tại Đồng Nai. Theo sau những hội nghị ấy, DN FDI đến với Đồng Nai nhiều hơn hẳn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn còn nặng nề. Một trong những việc làm thành công nhất trong thu hút FDI năm 2012 chính là Đồng Nai đã và đang đón đầu được làn sóng FDI từ Nhật Bản, với 21 dự án có số vốn chiếm trên 81% tổng vốn thu hút mới trong năm.

Với những khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước cũng kịp thời chỉ đạo và kiểm soát việc giảm lãi suất theo quy định, đến nay, lãi suất vay sản xuất - kinh doanh trên địa bàn Đồng Nai đã giảm từ 4-6%/năm so với đầu năm 2012. Ngành thuế cũng kịp thời thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế VAT, giúp DN tăng cường vốn sản xuất, giảm khó khăn. Đã có 2.300 DN được giãn nộp thuế khoảng 239 tỷ đồng. Các khoản thuế khác, như: thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất… cho DN và chủ đầu tư dự án gặp khó khăn cũng kịp thời được áp dụng nhằm giúp DN giảm thiểu khó khăn. Sở Kế hoạch - đầu tư cũng đã có các biện pháp hỗ trợ DN vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh như tập huấn, xúc tiến thương mại, hội thảo... một cách thường xuyên.

V. Lâm - H. Giang - T. Thúy

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều