Cách đây 3-4 năm, nhiều loại điện thoại di động thương hiệu Việt Nam được ra mắt khá rầm rộ với “ước vọng” góp một phần hình ảnh của mình bên cạnh các thương hiệu “đại gia”, như: Nokia, Samsung, LG… vốn dĩ làm mưa làm gió lâu nay trên thị trường. Tuy nhiên, qua một thời gian, đây có vẻ là một cuộc thử nghiệm bất thành.
Cách đây 3-4 năm, nhiều loại điện thoại di động thương hiệu Việt Nam được ra mắt khá rầm rộ với “ước vọng” góp một phần hình ảnh của mình bên cạnh các thương hiệu “đại gia”, như: Nokia, Samsung, LG… vốn dĩ làm mưa làm gió lâu nay trên thị trường. Tuy nhiên, qua một thời gian, đây có vẻ là một cuộc thử nghiệm bất thành.
Về ưu điểm, điện thoại Việt Nam có giá rẻ, dao động từ 1-3 triệu đồng với nhiều tính năng được tích hợp trong cùng một chiếc: 2 sim 2 sóng, lướt web, bắt sóng wifi… Và có thời điện thoại Việt Nam giá rẻ cũng đã cạnh tranh rất tốt với các dòng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
* Loay hoay giá rẻ
Thời điểm năm 2008-2009, thị trường chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt nhãn hiệu điện thoại di động với “mác” hàng Việt, như: Q-Moblie, FPT Moblie, Avio, Mobistar, Mobell…, được sở hữu bởi những tên tuổi lớn trong ngành viễn thông, như: VNPT, FPT, Viettel… Ước tính, điện thoại di động thương hiệu Việt vào thời điểm đó đã lên đến hơn 10 thương hiệu cả lớn lẫn nhỏ.
Một số dòng điện thoại thương hiệu Việt giá rẻ hiếm hoi còn lại trên thị trường. |
Anh Nguyễn Tấn Thăng, chủ một cửa hàng điện thoại di động trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP. Biên Hòa), cho biết, vào thời điểm đó, hàng bán khá chạy bởi các tên tuổi lớn, như: Nokia, Samsung, LG… vẫn chưa tung quá nhiều dòng hàng giá rẻ ra thị trường để cạnh tranh. Các mẫu điện thoại Việt Nam vốn được bảo chứng về chất lượng bởi những nhà kinh doanh viễn thông lớn trong nước nhanh chóng đánh bạt các mẫu điện thoại nhái từ Trung Quốc, đặc biệt đối với các khách hàng: công nhân, viên chức, sinh viên, học sinh… “Thời điểm đó, các mẫu 2 sim 2 sóng của Mobell hay Q-Mobile bán rất chạy, thậm chí có lúc số lượng ăn đứt cả các mẫu phổ thông của Nokia hay Samsung vì cùng giá đó, song chức năng của điện thoại Việt nhiều hơn” - anh Thăng nói.
Song, khi các “đại gia” như Nokia và Samsung bắt đầu tấn công vào các dòng hàng giá rẻ thì ngay lập tức điện thoại Việt mất lợi thế. Từ 2-3 năm nay, các hãng này liên tục tung ra các mẫu điện thoại giá rẻ, đáp ứng đủ mọi yêu cầu cơ bản của người dùng: từ chỉ có chức năng nghe - gọi đến lướt web, 2 sim 2 sóng, bắt sóng wifi… với giá chỉ từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/chiếc tùy chức năng. Với thế mạnh thương hiệu và hệ thống bảo hành, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, thị phần của điện thoại di động Việt Nam dần bị đẩy lùi.
* Thị phần thu hẹp
Khảo sát thị trường cho thấy, hiện chỉ còn một vài dòng điện thoại thương hiệu Việt Nam là còn có thể chiếm một chỗ đứng tương đối khiêm tốn trên các kệ hàng. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp cho biết, từ lâu đã ngưng nhập thêm điện thoại di động Việt Nam về bán, chỉ cố gắng giải phóng hàng tồn kho.
Theo nhiều nhận xét, các năm 2009-2010 được coi là thời kỳ đỉnh cao của các nhà sản xuất điện thoại di động thương hiệu Việt. Tuy nhiên, bước sang năm 2011, thị trường điện thoại nội khá trầm lắng và đến thời điểm giữa năm 2012, thị trường điện thoại di động bão hòa, tình hình kinh tế khó khăn cộng với sự cạnh tranh quyết liệt từ các thương hiệu lớn, khiến điện thoại thương hiệu Việt càng lao đao.
Chọn mua điện thoại smartphone giá rẻ. Ảnh: TL |
Hiện tại, khi nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ chuyển sang theo đuổi dòng điện thoại thông minh (smartphone), các hãng điện thoại từ lớn đến nhỏ cũng không đứng ngoài cuộc. Thị trường smartphone tại Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh sôi động khi các hãng, như: Samsung, LG liên tục tung ra các mẫu smartphone giá rẻ, chỉ ở mức 2-3 triệu đồng, phù hợp với số đông người dân. Ở phân khúc này có sự tham gia của một vài thương hiệu khác trong nước, như: Q-Mobile, Mobistar với smartphone có giá bán phải chăng.
Tuy nhiên, nhiều cửa hàng, siêu thị điện thoại di động cho biết, thêm một lần nữa, các nhà sản xuất điện thoại trong nước đang trở nên lép vế trước sức ép cạnh tranh của các hãng nước ngoài, điển hình là Samsung, LG, Sony Ericsson, Nokia… với các dòng smartphone chưa tới 5 triệu đồng/chiếc được tung ra liên tục với chức năng ngày một cải tiến. Trong khi đó, ở các dòng smartphone cao cấp, các nhà điện thoại Việt Nam lại càng khó có cơ hội chen chân, nhất là khi cạnh tranh với họ là những thương hiệu toàn cầu, như: Apple, Samsung, LG…
Vi Lâm