Ở tuổi 24, Trần Chí Trung đã trở thành chủ doanh nghiệp (DN) trong ngành xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. 6 năm qua, chàng trai trẻ này đã điều hành DN luôn đạt mức tăng trưởng tốt ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế bị khủng hoảng.
Ở tuổi 24, Trần Chí Trung đã trở thành chủ doanh nghiệp (DN) trong ngành xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. 6 năm qua, chàng trai trẻ này đã điều hành DN luôn đạt mức tăng trưởng tốt ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế bị khủng hoảng.
Công ty TNHH Ngũ Nam Phát, phường Tân Biên, TP. Biên Hòa chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, như: thiếc trang trí, mây nhựa, đồ gỗ cao cấp. Hàng tháng, DN xuất khẩu vài chục container hàng, tập trung vào các thị trường: châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản.
* Lập nghiệp sớm
Một lần đi tham quan hội chợ, Trần Chí Trung đứng xem rất kỹ những sản phẩm bằng thiếc trang trí được giới thiệu trên kệ trưng bày, cũng là cái xô, cái chậu nhưng được lên màu, chăm chút hơn về kiểu dáng đã trở thành hàng xuất khẩu với giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với “hàng chợ”. Năm 2006, anh quyết định thành lập Công ty TNHH Ngũ Nam Phát, chuyển đổi cơ sở sản xuất gia công theo quy mô hộ gia đình sang làm hàng xuất khẩu.
Anh Trần Chí Trung với sản phẩm chậu thiếc trang trí xuất khẩu. Ảnh: B. NGUYÊN |
Anh Trung nhớ lại, cơ sở của gia đình tồn tại hơn 10 năm trong nghề thiếc nên khi mở công ty, anh đã vững vàng về kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, anh đã phải bỏ rất nhiều thời gian trong khâu chuẩn bị: theo học các khóa đào tạo về quản trị DN, kế toán, học về làm hàng xuất khẩu từ những người đi trước. Bản thân anh cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm về thị trường, cách tổ chức DN, quản lý con người trong những năm làm nhân viên cho một công ty chuyên về đào tạo nhân sự.
Anh cũng đã đầu tư kỹ lưỡng để lập bản kế hoạch chi tiết, từ việc tổ chức bộ máy nhân sự đến chiến lược hoạt động dài hạn của DN. Chính vì sự chuẩn bị chu đáo này nên khi đi vào hoạt động, DN luôn đạt mức tăng trưởng tốt ngay cả trong giai đoạn sóng gió.
Từ chuyên sản xuất các mặt hàng thiếc trang trí, DN mở rộng thêm các dòng sản phẩm nhựa giả mây, đồ gỗ nội thất... Hiện DN có trên 100 công nhân đang làm việc và đã xây dựng được hệ thống vệ tinh với 100 cơ sở, hộ gia đình chuyên gia công về mặt hàng thiếc và 10 cơ sở chuyên làm hàng giả mây. Với mô hình hoạt động này, DN luôn kịp thời đáp ứng những đơn hàng lớn với chủng loại hàng hóa đa dạng.
* Cơ hội trong khủng hoảng
Anh Trung chia sẻ, các dòng sản phẩm đồ chạm kim loại, đồ gỗ cao cấp, đồ mây nhựa đan của Ngũ Nam Phát đều đạt được “Cúp vàng nhãn hiệu nổi tiếng” của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, quan niệm hàng tốt, giá cao không còn phù hợp nữa. Người chủ DN phải tính toán chi ly để giảm mọi hao phí trong sản xuất, quản lý tốt đồng vốn để có giá thành hợp lý nhất. Ngày nay, DN phải chủ động tìm khách hàng nên cần đầu tư cho khâu quảng bá với bài toán chi phí thấp mà đạt hiệu quả cao nhất.
Theo anh, từ năm 2008 đến nay, ngành hàng thủ công bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế, nhất là ở thị trường châu Âu, Mỹ. Đây là thách thức không nhỏ nhưng vẫn có cơ hội cho DN biết nắm bắt. Nhờ theo sát những biến động thị trường và chủ động ứng phó, khi các đơn hàng từ châu Âu, Mỹ giảm, DN đã kịp thời mở rộng sang thị trường Nhật Bản, Úc nên vẫn đảm bảo được đầu ra cho sản xuất. Năm 2012, DN tiếp tục quay về thị trường nội địa. Với việc xác định rõ đối tượng khách hàng là các nhà thầu cho các công trình resort, nhà hàng, khách sạn… Chỉ trong năm đầu tiên quay về thị trường nội địa, DN đã tiêu thụ được 30% trên tổng sản lượng hàng sản xuất trong năm.
Lê Quyên